Tài chính quốc tế

Thủ tướng Malaysia kêu gọi các nước thành viên xem xét lại CPTPP

(VNF) - Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã kêu gọi 10 nước còn lại cân nhắc lại Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Lý do mà vị tân Thủ tướng đưa ra đó là các nền kinh tế nhỏ hơn như Malaysia sẽ gặp nhiều bất lợi theo các điều khoản hiện hành.

Thủ tướng Malaysia kêu gọi các nước thành viên xem xét lại CPTPP

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad

Trong một cuộc phỏng vấn với đài Nikkei của Nhật Bản, Thủ tướng Mahathir nói rằng CPTPP nên đưa vào cân nhắc mức độ phát triển của các quốc gia là khác nhau. Hiệp ước thương mại nói trên bao gồm 11 nước thành viên, trong đó có cả những nền kinh tế lớn như Nhật Bản và Canada.

"Các nền kinh tế nhỏ, yếu hơn nên được trao cơ hội bảo vệ sản xuất của chính mình”, ông Mahathir nói với phóng viên. “Chúng ta nên xem xét lại CPTPP”.

Lời kêu gọi xem xét lại CPTPP của Thủ tướng Malaysia gây nên sự bất ngờ cho các thành viên còn lại của Hiệp định, vốn đã hoàn tất sau các cuộc đàm phán căng thẳng hồi đầu năm nay. Hoa Kỳ - một trong những quốc gia đầu tiên tham gia ký kết – đã tuyên bố rút khỏi TPP.

Sau khi Mỹ rời khỏi TPP, 11 quốc gia còn lại vẫn tiếp tục thúc đẩy và hoàn thiện hiệp định, thống nhất đổi tên TPP thành Hiệp định toàn diện và tiến bộ cho đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cũng như TPP, CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại v.v. mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước v.v.

Một khi chính thức có hiệu lực, CPTPP sẽ giúp cắt giảm thuế trên một khối lượng hàng hóa chiếm hơn 13% nền kinh tế thế giới, với giá trị tổng cộng là 10 nghìn tỷ USD. Nếu Hoa Kỳ không rút lui, con số này sẽ là 40% GDP toàn cầu.

Thủ tướng Mahathir không bác bỏ ý nghĩa của các thỏa thuận như TPP và ông không nói rõ liệu Malaysia sẽ cân nhắc việc rời bỏ hiệp ước thương mại không, theo Nikkei đưa tin. Ngay cả khi Malaysia quyết định rút lui, điều đó sẽ không dừng TPP-11 lại, nhờ điều khoản khiến hiệp ước vẫn có hiệu lực sau khi được ít nhất 6 quốc gia thành viên phê chuẩn.

Ông Mahathir Mohamad, 92 tuổi, đã tiếp nhận chức Thủ tướng Malaysia tháng trước, sau khi chiến thắng trong cuộc tranh cử với cựu Thủ tướng Najib Razak. Ông hứa hẹn sẽ dập tắt tham nhũng và giảm chi phí sinh hoạt cho nhân dân Malaysia.

Ông đã ngay lập tức bắt tay vào rà soát một số dự án và thỏa thuận từng được ký kết bởi chính phủ cũ. Thủ tướng đã rút khỏi một dự án đường sắt cao tốc với Singapore, và đang xem xét một tuyến đường sắt địa phương trị giá 14 tỷ USD được xây dựng bởi các nhà thầu Trung Quốc.

Ông cho biết Malaysia cũng sẽ nghiên cứu lại Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông, đang được đàm phán giữa Bắc Kinh và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). "Chúng tôi không muốn có bất kỳ căng thẳng và khả năng chiến đấu trong các khu vực này”, ông nói. Nikkei cho biết ông Mahathir nhắc lại rằng Malaysia không muốn sự hiện diện của các tàu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông và Eo biển Malacca.

Tin mới lên