Tiêu điểm

Thủ tướng: Cổ phần hoá mà ‘đi đêm’ rất phức tạp

(VNF) - “Vừa rồi có một số ông cũng là thân thiết với ông này ông kia viết thư đến gặp tôi nói bán cổ phần thương lượng, tôi mời ra ngoài ngay”, Thủ tướng nói như vậy khi đôn đốc cổ phần hoá ở "Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước" ngày 21/11/2018, tại Hà Nội.

Thủ tướng: Cổ phần hoá mà ‘đi đêm’ rất phức tạp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước/Ảnh: Quang Hiếu

Theo Thủ tướng, cộng đồng doanh nghiệp nhà nước hiện nắm giữ tổng tài sản khoảng 3 triệu tỷ đồng, vốn hơn 1,3 triệu tỷ đồng. So với quy mô nền kinh tế ước 5 triệu tỷ đồng (tính theo năm 2017 – PV) thì vốn và tài sản doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng rất lớn. Do vậy, lực lượng này vẫn giữ vị trí cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh khi đã đi theo con đường kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì phải áp dụng quy luật giá trị, bao gồm từ tiền lương, giá cả và không hành chính hoá doanh nghiệp nhà nước, ngoại trừ những lĩnh vực mà nhà nước phải chỉ đạo.

“Tôi nhắc các đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính, chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước phải quán triệt vấn đề này để mà hạch toán kinh doanh. Vì sao trước đây bán Sabeco một vài tỷ USD nhưng mãi không được nhưng khi minh bạch đưa lên thị trường chứng khoán thì bán và thu về hơn 5 tỷ USD? Phải niêm yết thì mới minh bạch”, Thủ tướng nói.

Thứ hai, ông cho rằng vai trò của doanh nghiệp nhà nước vẫn rất quan trọng và cần thiết đối với nền kinh tế. Điều này không chỉ ở Việt Nam mà cả Trung Quốc hay Singapore đều vậy, dù họ đi theo thị trường trước Việt Nam hàng chục năm. Do đó, không nên đề cập vấn đề giải tán doanh nghiệp nhà nước. Ngược lại, doanh nghiệp nhà nước phải giữ vai trò dẫn dắt, khai phá, cầm trịch nền kinh tế. Và cổ phần hoá là con đường đưa vốn xã hội hoá vào nhằm nâng cao năng lực quản trị cũng như góp phần chống tham nhũng. Nhà nước đã có những quy định rất rõ ràng, loại hình doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực nào nhà nước cần nắm, nắm bao nhiêu, từ 100%, 75%, 51% vốn đều có cả.

Thứ ba, đã cổ phần hoá thì phải niêm yết trên sàn chứng khoán để tránh tham nhũng, thất thoát. Ở nhiều nước đã bị thất thoát khi cổ phần hoá và Việt Nam trong giai đoạn đầu cũng vậy nhưng đã kịp chấn chỉnh.

“Vừa rồi có một số ông cũng là thân thiết ông này ông kia viết thư đến đến gặp tôi nói bán cổ phần thương lượng, tôi mời ra ngoài ngay. Thủ tướng không có quyền bán cổ phần thương lượng doanh nghiệp cổ phần. Cứ đi đêm rất phức tạp, mình phải chống cái này để bảo vệ cán bộ!”, Thủ tướng kiên quyết.

Thứ tư, cũng theo ông, khi bàn giao 19 tập đoàn về Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước thì vai trò của ủy ban với doanh nghiệp và các bộ/ngành như thế nào phải làm rõ. Đây không phải là cơ quan trung gian gây ách tắc cho các bộ mà cần quản lý và phối kết hợp như thế nào để đạt hiệu quả và phát triển được.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải quản lý làm sao để doanh nghiệp phát triển, xứng tầm vai trò chủ đạo của kinh tế chứ không phải để cho nó teo tóp, đó là một việc rất nặng nề. Muốn có kết quả thì người điều hành phải rất quyết tâm, có quan điểm rõ ràng, cùng với đó phải gỡ thể chế cho doanh nghiệp nhà nước phát triển.

Ngày trước nói đến định giá doanh nghiệp hay xử lý đất đai khi cổ phần hoá là lúng túng nhưng bây giờ cũng có hệ thống văn bản pháp luật giải quyết.

“Vừa rồi có một số cái mình phải thu hồi để xử lý. Cảng Quy Nhơn lớn như thế mà bán có mấy tỷ bạc, không bằng cho không. Có nguyên tắc nào cho các doanh nghiệp nhà nước làm như thế? Phải xử lý để lập lại kỷ cương, tránh thất thoát tài sản nhà nước khi cổ phần”, Thủ tướng bức xúc.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đánh giá cao quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước đã thu được những kết quả khả quan. Ví dụ: giảm từ 12 nghìn doanh nghiệp nhà nước xuống còn 600 doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp lỗ như Vinafood 2 nhưng Vinafood 1 lại tăng trưởng tốt, tất cả là do điều hành.

Kết thúc phần phát biểu chỉ đạo,Thủ tướng cũng nhắc nhở thêm một lần nữa là hiệu quả và đóng góp doanh nghiệp nhà nước còn thấp. Nợ xấu, thua lỗ của một số tập đoàn gây thất thoát lớn, còn nhiều bất cập trong cơ chế giám sát; quản trị doanh nghiệp yếu kém, không chịu học hỏi, nghiên cứu, đổi mới, bình cũ rượu mới, sân trước sân sau. Có những doanh nghiệp nhà nước có 14 -15 sân sau ông cũng biết rõ tình trạng này.

Thủ tướng cũng phê bình tiến độ cổ phần hoá trong 2 năm 2016 và 2017 là chậm, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cổ phần hoá, thoái vốn chậm. Trong đó, chủ yếu là  do kỷ luật của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chưa nghiêm. Nhận thức chưa thông suốt và cùng đó, bị đè nặng bởi tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hoá, thoái vốn; tư tưởng thiên vị đã và đang kìm hãm đổi mới. Cuối cùng, lợi ích nhóm, tham nhũng trong quá trình cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước là có”, Thủ tướng kết luận.

Tin mới lên