Tiêu điểm

Thủ tướng: '2018 xuất siêu cao, vì sao 2019 quay lại nhập siêu?'

(VNF) - Thủ tướng không đồng ý với mục tiêu Bộ Công Thương đề ra năm 2019 là nhập siêu dưới 2% (3 tỷ USD), sau khi Việt Nam đã đạt xuất siêu đáng kể trong năm 2018.

Thủ tướng: '2018 xuất siêu cao, vì sao 2019 quay lại nhập siêu?'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng cũng phải đi bán hàng xuất khẩu

Kết luận hội nghị tổng kết ngành Công Thương ngày 17/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: “Một năm trôi qua, ngay từ quý I, các đồng chí đã suy nghĩ, tổ chức thực hiện rất nghiêm túc những chủ trương quan trọng của Chính phủ. Điều đó cho thấy các đồng chí ở Bộ Công Thương biết tổ chức triển khai công việc, giữ lời hứa, lời nói và hành động đi liền nhau, trong đó có nhiều việc làm quyết liệt, hiệu quả thực sự”.

Thủ tướng điểm lại những nỗ lực ngành Công Thương đạt được, như chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng cao và ổn định, tăng trên 10%, cao hơn 1% mục tiêu Chính phủ giao. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất phân phối điện tiếp đà tăng trưởng, là yếu tố tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng chung toàn ngành. Xuất siêu cán đích 7,2 tỷ USD, là con số kỷ lục…

Thủ tướng chia sẻ, ông đã cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh đi xúc tiến đầu tư, thương mại tại nước ngoài, còn gọi là ‘đi bán hàng xuất khẩu cho các đồng chí’, qua đó tìm nhiều thị trường xuất khẩu cho đất nước.

Đánh giá cao việc nâng tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương dự kiến đạt hơn 72%, Thủ tướng cho rằng, Bộ đã đi đầu trong công tác này, “rất đáng hoan nghênh”.

“Anh phải giải phóng sức sản xuất để mọi người dân, doanh nghiệp cùng làm, chứ nếu vì quyền lợi của ngành mình, cục bộ, không nhìn đại cục thì không thể phát triển được”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng cần nhìn nhận thẳng thắn các khuyến điểm, tồn tại như tính chủ động trong công tác lập, điều chỉnh nhiều chiến lược, quy hoạch trong ngành Công Thương còn chưa cao. Một số quy hoạch được triển khai chậm so với yêu cầu của thực tiễn gây lúng túng trong công tác quản lý.

Nhắc lại phương châm hành động “12 chữ” của Chính phủ trong năm 2019 trong đó có chữ “bứt phá”, Thủ tướng giao “đầu bài”, bứt phá của ngành công thương là ở đâu?

“Việt Nam có thể thành con hổ, có thể thành con rồng hay không chính là phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển đột phá của ngành công thương Việt Nam. Tôi muốn đưa vấn đề này ra tại hội nghị này để Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, các nhà sản xuất kinh doanh, các địa phương ở đây cùng thảo luận cùng phát triển trong tương lai”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019, Thủ tướng biểu dương Bộ Công Thương trong vòng 3 ngày đã có 1 chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ.

Tuy nhiên, Thủ tướng không đồng tình với mục tiêu Bộ Công thương đề ra là nhập siêu dưới 2% (3 tỷ USD) so với kim ngạch nhập khẩu. “Đây là mức nhập siêu không thể chấp nhận, vì năm 2018 chúng ta đã xuất siêu đến mức độ như vậy mà năm nay quay lại nhập siêu”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh các mục tiêu khác của ngành công thương như hàng hóa bán lẻ doanh thu dịch vụ phải tăng cao 12, 13%; bảo đảm cân đối năng lượng, trước hết là năng lượng điện tăng trên 10% so với năm 2018.

Ngoài các giải pháp nêu trong Nghị quyết 01, 02, Thủ tướng nêu rõ giải pháp quan trọng với ngành công thương là khoa học công nghệ, đặc biệt là kỷ nguyên số, công nghiệp 4.0. Đổi mới công tác triển khai, lập, thẩm định, trình duyệt và công bố quy hoạch trong ngành công thương, để không vì quy hoạch mà xảy ra tình trạng xin-cho, chậm trễ.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành công thương một cách thực chất, chặt chẽ, hiệu quả. Tiếp tục xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương theo đúng phương án, kế hoạch, lộ trình được phê duyệt.

Nhắc lại chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam trong trận gặp Yemen tối 16/1 tại Asian Cup, Thủ tướng nhấn mạnh từng bộ, từng hiệp hội, tập đoàn, từng doanh nghiệp, từng tỉnh phải có chương trình phát triển công thương, phải chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu, phát triển dịch vụ, sản xuất công nghiệp và thương mại.

"Sự đồng bộ trong sự chỉ đạo phải như một đội bóng đá. Chính phủ tin tưởng rằng toàn ngành công thương chỉ có tiến mà không có lùi”, Thủ tướng nói.

>>> Xem thêm: ‘Tư lệnh’ ngành Công thương nêu 8 nhiệm vụ trọng tâm năm 2019

Tin mới lên