Diễn đàn VNF

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang: 'Vận tải biển sẽ vẫn hấp dẫn trong tương lai'

(VNF) - “Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ sớm được phục hồi, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2021 tiếp tục tăng trưởng so với năm 2020. Đồng thời, hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ tăng trưởng trở lại và cảng biển tiếp tục là khâu trọng yếu, góp phần phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa”, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang khẳng định.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang: 'Vận tải biển sẽ vẫn hấp dẫn trong tương lai'

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang.

- Là Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải được giao phụ trách lĩnh vực hàng hải, xin ông cho biết lộ trình phát triển và mục tiêu trong 5 năm tới của lĩnh vực này?

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang: Trong giai đoạn 5 năm (2021-2025), ngành hàng hải tập trung vào 5 mục tiêu. Một là tập trung, nỗ lực góp phần kiểm soát đại dịch Covid-19 trong toàn ngành, thúc đẩy kinh tế hàng hải để tạo sự lan lan tỏa lớn đối với các lĩnh vực kinh tế xã hội, góp phần chung vào ổn định và phát triển nền kinh tế quốc gia. Hai là hoàn thiện khung thể chế, các văn bản quy phạm pháp luật về hàng hải, tạo cơ chế để thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế hàng hải; trong đó, tập trung các giải pháp thu hút nguồn lực ngoài ngân sách để giải quyết các điểm nghẽn, phù hợp với giai đoạn phát triển mới và hội nhập kinh tế quốc tế.

Ba là đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm đối với kết cấu hạ tầng hàng hải, đặc biệt là kết cấu hạ tầng cảng biển tại các khu vực cửa ngõ, đầu mối, đồng bộ với các phương thức kết nối để đáp ứng tốt nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của các vùng miền. Bốn là ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong quản lý đầu tư khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của ngành hàng hải nói riêng và nền kinh tế nói chung. Năm là tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế về hàng hải, hoàn thiện ký kết hiệp định vận tải với các quốc gia vùng lãnh thổ để mở rộng thị trường đầu ra cho hàng hóa Việt Nam.

- Riêng khối cảng biển, mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2022 là gì?

Cảng biển Việt Nam là cửa ngõ quan trọng, thông qua toàn bộ lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển, chiếm đến 90% tổng nhu cầu xuất nhập khẩu của cả nước. Với vai trò quan trọng trong việc lưu thông, trao đổi hàng hóa, tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế có liên quan, năm 2021-2022 là thời điểm khởi đầu cho kỳ phát triển cảng biển theo quy hoạch mới. Chính vì vậy, nhằm tạo tiền đề, bàn đạp thực hiện nhiệm vụ cho các năm tiếp theo, hai năm này cần đạt được 5 mục tiêu, nhiệm vụ.

Một là triển khai kịp thời Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hai là đẩy nhanh các thủ tục lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước; Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo chất lượng, khả thi, phù hợp với thực tiễn phát triển trong 10 năm tới.

Ba là sử dụng hiệu quả nguồn lực công để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng hàng hải quan trọng có sức lan tỏa lớn, điển hình như: đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số “0” vào khu bến cảng container Cái Mép; đường kết nối sau bến 3-4-5-6 cảng Lạch Huyện; cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực nam Nghi Sơn, Thanh Hóa; cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000DWT… Các dự án này góp phần thảo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn về hạ tầng, tạo động lực thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch.

Bốn là rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về hàng hải, tập trung vào các giải pháp phân cấp, phân quyền hiệu quả trong quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng cảng biển và luồng hàng hải tạo tính linh hoạt, chủ động trong sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương để phát triển. Năm là tiếp tục nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền về các giải pháp quản lý cảng biển hiệu quả, nghiên cứu học tập, ứng dụng các mô hình khai thác cảng biển tiến tiến hiệu quả phù hợp với thực tiễn Việt Nam để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển cảng trong thời kỳ 2021-2030.

- Vừa qua, Covid-19 xâm nhập vào một số cảng biển, gây gián đoạn sản xuất, vậy ngành hàng hải có những hành động gì để kiểm soát dịch bệnh? Đồng thời, nếu để xảy ra lây nhiễm tại cảng biển, Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan cần có những phương án xử lý như thế nào? Mô hình Tân Cảng Sài Gòn rút ra bài học gì, thưa ông?

Các giải pháp phòng chống dịch trong lĩnh vực hàng hải đã được triển khai đồng bộ tới tất cả các đối tượng có liên quan theo đúng hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế và các hướng dẫn của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Tính đến thời điểm này, chúng tôi khẳng định, tuy có một số trường hợp nhiễm Covid-19, song các cơ quan, đơn vị đã phát hiện kịp thời, xử lý dứt điểm. Kết quả là chưa có khu vực cảng biển nào lây nhiễm bệnh ra ngoài hoặc phải dừng hoạt động.

Về cảng Cát Lái, đây là cảng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực phía nam, phục vụ tất cả các nhà máy xí nghiệp khu vực kinh tế trọng điểm này. Trong thời gian các tỉnh áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, nhiều nhà máy, xí nghiệp phải dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng để phòng chống dịch. Do đó, nhu cầu hàng hóa của các nhà máy xí nghiệp giảm đột biến dẫn đến lượng hàng tồn tại cảng tăng lên nhanh. Trước nguy cơ tắc nghẽn tại cảng Cát Lái, Cục Hàng hải Việt Nam đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai đồng bộ 3 nhóm giải pháp để loại bỏ nguy cơ nghẽn cảng, đưa cảng hoạt động bình thường trở lại, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu xuất nhập hàng hóa cho khu vực. Các tình huống chống dịch nói chung và diễn biến tại Cảng Cát Lái nói riêng đòi hỏi chúng ta phải luôn chủ động theo dõi sát sao tình hình hoạt động của doanh nghiệp cũng như diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh để đưa ra các giải pháp xử lý đúng, trúng, kịp thời, quyết liệt và hiệu quả.

- 2020 - 2021 là 2 năm khó khăn đối với các loại hình vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, nhưng bất ngờ chứng kiến sự “trỗi dậy” từ vận tải biển. Xin ông cho biết, sự tăng trưởng của lĩnh vực này trong năm qua và dự báo từ nay đến cuối năm 2021 đầu năm 2022?

Là ngành vận tải hàng hóa với khối lượng lớn và giá thành rẻ, vận tải biển tiếp tục là loại hình vận tải hấp dẫn trong tương lai. Trong 8 tháng năm 2021, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 481.557.000 tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng), tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khối lượng hàng hóa container thông qua cảng biển 8 tháng năm 2021 đạt 16.699.000 Teus, tăng 18% cùng kỳ năm 2020. Do tác động của đợt dịch lần thứ 4, hàng hóa thông qua cảng biển đã có sự giảm sút mạnh trong tháng 8 đối với các cảng biển khu vực phía nam song đã có dấu hiệu phục hồi trong tháng 9.

Với những diễn biến mới của công tác phòng chống dịch Covid-19, trên đà phục hồi do nới lỏng giãn cách xã hội, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ sớm được phục hồi, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2021 tiếp tục tăng trưởng so với năm 2020. Đồng thời, hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ tăng trưởng trở lại và cảng biển tiếp tục là khâu trọng yếu, góp phần phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa.

- Sau 10 năm thua lỗ, vận tải biển đã có lãi, vậy làm thế nào để duy trì đà tăng trưởng đó, thưa ông?

Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thuê tàu chở hàng rời và tổng hợp tăng trên phạm vi toàn cầu, điều này giúp cho các chủ tàu có nguồn thu lợi rất lớn từ khai thác tàu. Đội tàu biển Việt Nam, trong đó có đội tàu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam được hưởng lợi theo đà tăng giá chung của toàn thế giới. Do đó, thị trường thế giới duy trì tốt thì hoạt động vận tải biển của chúng ta cũng sẽ tốt theo. Xu hướng tăng giá chung của thế giới được dự đoán tiếp tục kéo sang năm 2022 và sau đó sẽ có những điều chỉnh nhất định.

Trước xu hướng chung của thế giới, tác động của dịch Covid-19 cũng như quan hệ cung cầu, các chủ tàu cần nắm bắt chính xác diễn biến của thị trường để đưa ra các quyết định phù hợp với tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp vận tải biển, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh Covid-19.

- Vừa qua, có nhiều kiến nghị về việc giá thuê container tăng cao, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm xuất nhập khẩu và tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Vậy Bộ Giao thông Vận tải có phương án gì tháo gỡ cho các doanh nghiệp Việt hay không, hay để “thả nổi” cho thị trường điều tiết?

Cục Hàng hải Việt Nam đã thành lập tổ công tác liên ngành, gồm: Vụ Vận tải tải (Bộ Giao thông Vận tải), Cục Xuất nhập khẩu, Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) để thực hiện việc thanh tra, kiểm tra các hãng tàu nước ngoài có tuyến hoạt động đi châu Âu, châu Mỹ trong việc thực hiện các quy định về giá, việc niêm yết giá cước và các loại phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển.

Cục cũng thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến giữa hãng tàu nước ngoài, các công ty giao nhận hàng hóa với cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước nhằm rà soát vướng mắc, đề xuất giải pháp quản lý giá cước dịch vụ, phụ thu ngoài giá, giải pháp tăng cường bổ sung sản lượng container rỗng đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu. Trên cơ sở đó, Cục Hàng hải báo cáo Bộ Giao thông Vận tải đề xuất sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giá cước, phụ thu ngoài giá và quản lý tuyến vận tải container để nâng cao hoạt động vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

Để có biện pháp bình ổn giá dịch vụ tại cảng biển, Cục Hàng hải Việt Nam đã ban hành một số văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tại cảng biển và các hãng tàu nước ngoài xem xét không tăng phụ thu dịch vụ trong mùa Covid-19. Vừa qua, hãng tàu CMA-CGM đã đưa ra cam kết với khách hàng về việc không tăng giá, thời gian áp dụng từ nay đến hết ngày 1/2/2022. Đây được xem là động lực để khuyến khích các hãng tàu khác có chính sách không tăng giá cước trong thời gian tới.

Nhằm ổn định giá cước vận tải biển, giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong thời gian tới, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp, cụ thể như: rà soát, điều chỉnh và thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển cảng biển, cảng cạn, trung tâm logistics trên cả nước, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển, kết nối các phương thức vận tải; tập trung xây dựng cảng nước sâu tại khu vực Hải Phòng và Cái Mép Thị Vải nhằm đón được tàu có trọng tải lớn đi vào hoạt động; xây dựng đề án phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam để giảm chi phí và nâng cao tính chỉ động cho hoạt động xuất nhập khẩu…

Tin mới lên