Diễn đàn VNF

‘Thu hút FDI đang gắn với thành tích chính trị của địa phương hơn là hiệu quả thực sự’

(VNF) - “Hiện nay, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn đang gắn với thành tích chính trị của chính quyền địa phương nhiều hơn là hiệu quả thực sự”, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế của VCCI, nhận định tại hội thảo thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới và tầm nhìn 2020-2030 của Việt Nam diễn ra chiều 9/7.

‘Thu hút FDI đang gắn với thành tích chính trị của địa phương hơn là hiệu quả thực sự’

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Nói về những tồn tại trong thu hút FDI, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng mức độ lan tỏa của việc thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng giảm. Bằng chứng là trước đây còn có nhiều doanh nghiệp liên doanh, còn hiện nay đa số là các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Ông Tuấn thẳng thắn chỉ ra hoạt động xúc tiến đầu tư hiện nay còn nặng về hình thức: “Hiện nay, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn đang gắn với thành tích chính trị của chính quyền địa phương nhiều hơn là hiệu quả thực sự”.

“Các tỉnh nghèo vẫn tổ chức các chuyến xúc tiến đầu tư tốn kém nhưng có hiệu quả không? Nhiều tỉnh tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư như lễ hội, mời quan chức thì nhiều nhưng nhà đầu tư thì ít..”, ông Tuấn tiếp lời.

Ông Đậu Anh Tuấn cũng đề xuất phải có cơ chế đánh giá lợi ích thực sự từ FDI.

Theo ông Tuấn, để thu hút đầu tư nước ngoài, hiện nay nhà nước phải bỏ tiền ra đầu tư cơ sở hạ tầng, phải hy sinh quỹ đất; các địa phương dùng ngân sách để tổ chức nhiều chương trình xúc tiến đầu tư rất tốn kém… thế nhưng “liệu đồng vốn thu hút được có xứng đáng với số tiền nhà nước bỏ ra?”

“Trong thu hút đầu tư nước ngoài, vai trò của địa phương là rất lớn nếu không muốn nói là quan trọng nhất. Làm sao để cơ chế thu hút đầu tư đến được địa phương, để định hướng trở thành đồng vốn cụ thể?”, ông Đậu Anh Tuấn đặt vấn đề.

Phản hồi về góp ý của ông Đậu Anh Tuấn, ông Vũ Đại Thắng – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng những nhận định của ông Tuấn có nhiều điểm xác đáng.

Ông Vũ Đại Thắng thừa nhận một số hoạt động xúc tiến đầu tư còn chưa thực chất. Thậm chí hiện nay có sự cạnh tranh ngầm giữa các địa phương trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ sớm đề xuất khuôn khổ pháp lý để các địa phương không cạnh tranh xuống đáy mà phải cạnh tranh cùng phát triển.

Ông Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cũng nhận định “Với phân cấp quản lý đầu tư như hiện nay, các địa phương được chủ động trong thu hút FDI thì vai trò của Cục Đầu tư nước ngoài rất mờ nhạt”.

Ông Thắng cũng nêu hiện tượng chồng chéo trong xúc tiến đầu tư giữa các địa phương, thậm chí có trường hợp như Nhật Bản, trong 1 ngày phía bạn phải tiếp 3-4 địa phương của Việt Nam đến gặp gỡ xúc tiến đầu tư.

Hội thảo về Chiến lược và định hướng thu hút FDI thế hệ mới

Bên cạnh việc chỉ ra các tồn tại trong thu hút FDI, các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng muốn thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh bùng nổ cách mạng công nghệ 4.0 như hiện nay thì Việt Nam phải có “mồi” mới.

Đại diện của Đại sứ quán Na-uy tại Việt Nam nhấn mạnh Chính phủ cần xác định rõ nhu cầu của các nhà đầu tư trong tương lai.

“Cách mạng 4.0 cần hạ tầng mềm chứ không cần hạ tầng cứng như hiện nay nữa”, đại diện Đại sứ quán Na-uy tại Việt Nam nêu quan điểm.

Theo đó, Việt Nam cần tập trung nguồn lực để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia.

“Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ kéo theo sự phát triển của nền kinh tế thông minh, dù Việt Nam có muốn bước vào cuộc chơi này hay không thì nó vẫn sẽ diễn ra”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho biết. Vị đại diện này cũng cho rằng trong cuộc chơi mới, giáo dục và dạy nghề là cực kỳ quan trọng.

“Vì vậy, chính phủ cần tạo cơ hội và cảm hứng để mọi người dân bước vào cuộc chơi này bằng cách đổi mới giáo dục để tạo ra nguồn vốn con người tốt nhất”, đại diện JPA cho biết.

Đồng quan điểm với các chuyên gia, Phó tổng giám đốc Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) nhận định: “Mức độ chuyển giao công nghệ thấp, tay nghề thấp là cản trở trong thu hút FDI, đặc biệt là FDI thế hệ mới”.

Tin mới lên