Tài chính tiêu dùng

Thông tư 48 có hiệu lực: Siết huy động vốn tại nhà

Theo Thông tư 48/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 5/7/2019, ngân hàng chỉ được nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch thuộc mạng lưới hoạt động của ngân hàng đó.

Thông tư 48 có hiệu lực: Siết huy động vốn tại nhà

Đảm bảo an toàn cho người gửi

Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định, người gửi tiền phải trực tiếp đến điểm giao dịch của ngân hàng và xuất trình giấy tờ xác minh thông tin cá nhân. Trường hợp gửi tiền tiết kiệm chung, tất cả người gửi tiền phải trực tiếp xuất trình giấy tờ xác minh thông tin của mình. Nếu gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo pháp luật phải xuất trình giấy tờ chứng minh tư cách đại diện, giấy tờ xác minh thông tin của người đại diện theo pháp luật và giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền.

Thông tư 48/2018/TT-NHNN cho phép công dân Việt Nam chưa đủ 15 tuổi hoặc người bị hạn chế hay mất năng lực hành vi dân sự được gửi tiền tiết kiệm. Song việc gửi tiết kiệm phải thực hiện qua người đại diện theo pháp luật. Đây là nội dung mới so với quy định cũ (đối tượng này không được ngân hàng mở sổ tiết kiệm).

Lãnh đạo nhiều ngân hàng đánh giá, quy định của Thông tư 48 sẽ bảo đảm an toàn cho người gửi tiền lẫn ngân hàng. Các quy định về địa điểm giao dịch tiền gửi sẽ chấm dứt tình trạng một số ngân hàng cho nhân viên đến tận nhà khách hàng VIP để được ủy quyền nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm, có thể dẫn đến vụ việc tài khoản của người gửi tiền bị nhân viên ngân hàng rút ruột hàng trăm tỷ đồng như từng xảy ra thời gian gần đây.

Mới đây nhất là vụ mất 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình xảy ra tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Bà Bình vẫn còn giữ các sổ tiết kiệm tại Eximbank, nhưng số tiền 245 tỷ đồng đã không cánh mà bay. Đại diện Eximbank cho rằng, vụ mất tiền này có yếu tố lừa đảo, nên phải chờ phán quyết của tòa án. Nhưng tòa án đã phán quyết buộc Eximbank phải trả hết số tiền trên cho bà Bình và mới đây, bà Bình cho biết, đã nhận lại được toàn bộ tiền gốc và lãi của số tiền gửi 245 tỷ đồng.

Phải giao dịch tại quầy

TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, từ nhiều năm nay, hàng loạt ngân hàng đưa ra chương trình chăm sóc cá nhân gửi tiết kiệm với số tiền hàng tỷ đồng, hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Khách VIP thường không phải đến quầy ngân hàng để giao dịch mà ủy quyền cho các cán bộ là lãnh đạo cấp chi nhánh, trưởng phòng giao dịch... của ngân hàng thay thế họ thực hiện toàn bộ giao dịch gửi, rút tiền. Nhiều người còn có những đòi hỏi về lãi suất cộng thêm mức cao nhất và miễn phí các giao dịch chuyển tiền.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng đánh giá, quy định của Thông tư 48 sẽ bảo đảm an toàn cho người gửi tiền lẫn ngân hàng.
Trong khi đó, theo quy định hiện nay, quy trình gửi và rút tiền tương đối chặt chẽ. Phiếu rút tiền hoặc chuyển tiền cho khách hàng có ít nhất 6 chữ ký, gồm chữ ký của khách hàng, giao dịch viên, kế toán, thủ quỹ, kiểm soát viên và chữ ký của ban giám đốc. Do đó, có thể nói, vai trò của khách hàng, giao dịch viên rất mờ nhạt. Thế nhưng, ban lãnh đạo một số ngân hàng bị mất tiền còn thờ ơ và thiếu trách nhiệm trong việc xử lý đối với các khoản tiền gửi của khách hàng bị mất.

Trên thực tế, nhiều trường hợp khách hàng VIP thường được phía ngân hàng săn đón, nên đã tin tưởng giao dịch tiền gửi tiết kiệm, dù phía các ngân hàng không thực hiện đầy đủ thủ tục, văn bản cho khách hàng ký ủy quyền. Điều này vô cùng nguy hiểm bởi phần lớn rủi ro thuộc về khách hàng. Vì vậy, người dân cần chủ động thực hiện giao dịch tại quầy của các ngân hàng để có sự giám sát, bằng chứng khi xảy ra sự cố, mất tiền tiết kiệm.

Bên cạnh những kẻ hở trên, khách hàng cũng có lỗi khi chủ quan “giao phó” tài sản của mình cho cán bộ ngân hàng. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng, khi làm thủ tục gửi, rút, chuyển tiền, trong bất cứ trường hợp nào, khách hàng không được ký vào các tờ giấy trắng, bởi nhân viên ngân hàng có thể điền thông tin để rút tiền của khách hàng.

Tin mới lên