Tài chính

Thoái toàn bộ vốn khỏi Nhựa Bình Minh, SCIC dự thu ít nhất 2.300 tỷ đồng

(VNF) - SCIC chính thức phê duyệt mức giá khởi điểm chào bán cạnh tranh hơn 24 triệu cổ phần BMP của Nhựa Bình Minh là 96.500 đồng/cổ phần.

Thoái toàn bộ vốn khỏi Nhựa Bình Minh, SCIC dự thu ít nhất 2.300 tỷ đồng

SCIC sẽ chính thức thoái toàn bộ vốn khỏi Nhựa Bình Minh vào ngày 9/3 tới

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố Quyết định số 48/QĐ-ĐTKDV về việc phê duyệt mức giá bán cổ phần của SCIC tại Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh.

Theo đó, SCIC chính thức phê duyệt mức giá khởi điểm chào bán cạnh tranh hơn 24 triệu cổ phần BMP của Nhựa Bình Minh là 96.500 đồng/cổ phần.

Giá bán cổ phần sẽ không thấp hơn mức giá khởi điểm trên và mức giá sàn tại ngày tổ chức chào bán cạnh tranh 9/3.

Nếu đấu giá thành công, SCIC sẽ thu về ít nhất 2.331 tỷ đồng từ đợt thoái vốn cuối cùng tại Nhựa Bình Minh.

Theo quy chế chào bán, số lượng cổ phần mỗi nhà đầu tư đăng ký mua tối thiểu là 20.000 cổ phần và tối đa là 24.159.906 cổ phần. Bước giá chào mua cổ phần là 100 đồng và bước khối lượng là 10 cổ phần.

Nhà đầu tư chỉ được phép ghi 1 mức giá vào phiếu tham dự chào bán. Tổng khối lượng tương ứng với mức giá phải bằng tổng khối lượng cổ phần nhà đầu tư đăng ký mua.

Nhà đầu tư phải nộp tiền đặt cọc bằng 10% giá trị tính theo khối lượng đăng ký và giá khởi điểm để đảm bảo quyền tham gia chào bán và bảo đảm tuân thủ quy chế. Tiền đặt cọc phải nộp bằng VND.

Nhà đầu tư được hủy đăng ký và nhận lại 10% tiền cọc trong thời hạn đăng ký. Trường hợp giá sàn tại ngày 9/3 cao hơn giá khởi điểm và không phù hợp với nhu cầu, nhà đầu tư vẫn có lựa chọn hủy đăng ký tham dự chào bán trước lúc hết thời hạn đăng ký.

Nhà đầu tư đăng ký tham giá chào bán cạnh tranh cổ phần BMP từ ngày 28/2 đến 16h00 ngày 8/3 và nộp phiếu tham gia chào mua cạnh tranh trực tiếp tại HOSE trong thời gian từ 9h00 đến 14h00 ngày 9/3.

Thời gian tổ chức chào bán từ 14h30 ngày 9/3. Thời hạn thanh toán tiền mua cổ phần muộn nhất là ngày 20/3.

Về tay người Thái?

Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) cho hay, nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đến đợt đấu giá cổ phần này, đặc biệt là công ty Nawaplastic của Thái Lan hiện đang nắm tới 20,4% vốn điều lệ Nhựa Bình Minh (tương đương 16,7 triệu cổ phần).

Nếu mua thành công toàn bộ cổ phần thoái vốn từ SCIC, Nawaplastic sẽ nắm 49,92% vốn điều lệ Nhựa Bình Minh.

"Có lẽ Nawa sẽ nâng dần tỷ lệ sở hữu lên thành tỷ lệ cổ phần kiểm soát bằng cách mua thêm trên thị trường hoặc mua thỏa thuận", HSC bình luận.

Siam Cement Group (SCG) là công ty mẹ của Công ty cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng (TPC) và TPC nắm giữ Nawaplastic. SCG có tham vọng xây dựng chuỗi giá trị trong ngành nhựa tại Việt Nam. Hiện SCG sở hữu một công ty sản xuất hạt nhựa (TPC Việt Nam) và từ lâu đã muốn có thêm một doanh nghiệp sản xuất nhựa với mạng lưới phân phối tốt nhất tại Việt Nam.

Tin mới lên