Công nghệ

Thể chế… sandbox và nguồn lực mới của kinh tế Việt Nam

Nền kinh tế đang xuất hiện vô vàn mô hình kinh doanh mới, cách thức làm ăn mới với những đòi hỏi, yêu cầu mới, thậm chí lạ. Chúng có chỗ trong nền kinh tế Việt Nam không? Chắc chắn có, nhưng không đương nhiên.

Thể chế… sandbox và nguồn lực mới của kinh tế Việt Nam

Khi Nhà nước sẵn sàng thử nghiệm thể chế, doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư, sáng tạo. Trong ảnh: Cánh tay robot trong Nhà máy Ô tô VinFast.

Những thay đổi chóng mặt

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trầm ngâm khá lâu trước câu hỏi, con đường nào để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, sau 100 năm lập quốc.

“Grab và những mô hình kinh doanh mới đã đi rất xa rồi. Grab giờ không chỉ làm ứng dụng kết nối di chuyển, mà còn giao nhận thức ăn, thanh toán điện tử. Còn chúng ta vẫn ngồi đây, trong phòng, bàn chưa xong về việc quản lý như taxi hay như cái gì, có phải đếm đầu xe không, đeo mào hay dán tem...”, ông Thiên đặt ngược vấn đề, thêm vô số câu hỏi với nhiều hàm ý.

Đã có quá nhiều bàn luận, thậm chí tranh cãi căng thẳng về mô hình kinh doanh kiểu Grab và cách thức quản lý nhà nước, đến mức, Unicon có gốc gác Malaysia này vừa hưởng lợi bởi sự xuất hiện tràn ngập trên truyền thông, vừa phải gánh chịu những tai tiếng không dễ giải trình từ các cuộc đấu lý giữa các bên.

Mới đây nhất, giữa tháng 8/2019, Hiệp hội taxi Hà Nội còn gửi kiến nghị tới UBND TP.Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đề nghị hướng dẫn thủ tục chuyển hình thức kinh doanh từ vận tải hành khách bằng taxi (truyền thống) sang vận tải theo hợp đồng điện tử bằng ô tô dưới 9 chỗ (taxi công nghệ). Lý do là các doanh nghiệp taxi truyền thống đã làm được giống Uber, Grab...

Nhưng đổi lại, Hiệp hội này đòi hỏi được hồi lại khoản thuế chênh lệch đã nộp (nếu có) những năm trước khi đáp ứng được đồng thời cả hai điều kiện kinh doanh của taxi truyền thống và công nghệ. Chưa hết, Hiệp hội Taxi Hà Nội còn đặt vấn đề liệu khi chuyển sang mô hình taxi công nghệ, họ có được thanh lý toàn bộ hợp đồng lao động với các lái xe và chuyển sang hình thức cho thuê xe hay không...

Mọi việc tưởng như đã có thể ngã ngũ khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu hủy bỏ đề xuất bắt buộc xe hợp đồng điện tử gắn hộp đèn và dùng công nghệ để quản lý, Bộ cũng đã trình theo hướng dán tem thay thế. Chưa có động thái nào từ phía các bộ, ngành, nhưng rất có thể cuộc tranh luận này sẽ phải mất thêm thời gian để tiếp tục tìm giải pháp.

Trong cùng thời điểm, Grab Holdings công bố sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 5 năm tới, nâng tổng số vốn đầu tư tại Việt Nam lên 700 triệu USD. Số tiền này sẽ dùng để mở rộng mạng lưới các dịch vụ kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn và thanh toán điện tử, đồng thời phát triển các dịch vụ, giải pháp mới về công nghệ di động (mobility), công nghệ tài chính (fintech), logistics...

“Câu chuyện của Grab chỉ là một ví dụ. Thế giới đang nói về kinh tế nền tảng mà cơ sở phát triển là vô số nền tảng. Chúng biến đổi liên tục, rất nhanh. Chúng ta có chỗ cho chúng phát triển không? Câu trả lời chắc chắn là có. Nhưng, nếu tư duy xây dựng thể chế, tư duy làm luật vẫn chỉ là chỉnh sửa, gọt tỉa những cái đang có, các mô hình mới, nguồn lực mới có muốn ở lại, chứ chưa nói là tìm đến trong nền kinh tế này không?”, TS. Thiên trăn trở.

Tư duy chỉnh sửa hết thời

Sự lúng túng của các cơ quan quản lý nhà nước trong đề xuất chính sách liên quan đến các mô hình kinh doanh mới thường được cho là do tư duy. Nhưng, nếu nhìn vào chính sự có mặt của các mô hình này ở Việt Nam, Việt Nam dường như luôn là một điểm đặt chân thuận lợi.

4 năm trước, vào năm 2016, khi cả thế giới chưa phân giải xong bản chất hoạt động của Uber, nhiều quốc gia không đồng ý cho Uber hoạt động, thì Việt Nam đã tiến thí điểm mô hình này tại 5 thành phố lớn. Đầu năm 2019, Chính phủ cũng đã đồng ý cho thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hoá có giá trị nhỏ, dù có thể “động chạm” đến toàn bộ hệ thống ngân hàng...

Mới nhất, Việt Nam góp tên vào nhóm những nền kinh tế đi đầu cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (sandbox). Mô hình thử nghiệm sandbox được đề cập tại Mỹ năm 2012, được khởi xướng bởi Anh vào năm 2015. Hiện cũng chỉ có một số quốc gia phát triển áp dụng như Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ, Hàn Quốc...

“Việt Nam thường không ngần ngại tham gia những cơ chế mới, thậm chí khó như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhưng thường gặp vấn đề trong thực hiện. Tôi đã nghĩ nhiều về điều này, rồi cả việc tại sao giải ngân vốn Nhà nước khó khăn thế, tại sao việc kết nối giữa FDI và doanh nghiệp trong nước không làm được? Nguyên do là vướng đủ thứ, quy định chồng chéo, theo luật này thì vướng luật kia, đến mức xử thì dễ nhưng hành động lại khó. Nhưng, gỡ thế nào vẫn là chuyện phải bàn rất kỹ”, ông Thiên nói.

Trở lại câu chuyện quản lý kinh doanh vận tải bằng ô tô làm ví dụ, ông Thiên cho rằng, không khó giải thích việc Bộ Giao thông – Vận tải ngần ngừ với những đề xuất tìm phương thức mới để quản lý. Với cơ chế hiện hành, mọi việc đang trong guồng chạy, kể cả quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Dù đang gánh khá nhiều điều kiện kinh doanh thực sự không cần thiết, nhưng doanh nghiệp taxi hiện tại đang là nhóm hưởng lợi. Họ đã vượt qua rào, ung dung trong không gian được rào kín. Điều này cũng có nghĩa, lợi ích trước mắt của họ sẽ bị xâm phạm khi rào cản này bị hạ xuống hoặc chuyển sang hình thức khác.

Chính tư duy này khiến các bản sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh vận tải rơi vào tình thế đi giải quyết một vài căng thẳng bằng cách gọt rũa, co kéo quy định hiện hành, thay vì sự sẵn sàng đón nhận mô hình mới ; phá bỏ cơ chế cũ, mở cửa để doanh nghiệp taxi truyền thống tìm kiếm động cơ phát triển mới.

“Tôi lo vì đây vẫn là tư duy phổ biến trong xây dựng thể chế, xây dựng pháp luật ở Việt Nam. Hầu như chỉ thấy các đề xuất bổ sung, chỉnh sửa, rất hiếm các yêu cầu bãi bỏ, thay mới. Trong các mô hình kinh doanh mới, nguồn lực quan trọng nhất là ý tưởng và mạng kết nối, chứ không phải là đất đai, vốn liếng... như trong kết cấu doanh nghiệp truyền thống. Năng lực cạnh tranh cũng khác, không dựa vào ưu thế về tài nguyên, sức lao động mà dựa vào mạng lưới và trí tuệ. Nguồn lực khác thì thể chế phải khác. Nếu ép họ vào khuôn thể chế cũ, ngay cả với cơ chế vô cùng ưu đãi về đất đai, tiếp cận vốn… họ sẽ vẫn chuyển đi vì không tìm thấy sự an toàn cho sức sáng tạo”, ông Thiên thẳng thắn.

Nhà nước 4.0 và tư duy hệ sinh thái

12 ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện đã được đề nghị loại ra khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư - kinh doanh có điều kiện, ban hành kèm theo Luật Đầu tư. 19 ngành, nghề khác được đề nghị sửa đổi để phù hợp với các yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước.

Cùng với đó, trong Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, các hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành cũng được đề xuất đưa vào danh mục ưu đãi đầu tư…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện đúng cam kết mà Chính phủ đưa ra, là sẽ không để tồn tại những rào cản vô lý, những điều kiện kinh doanh làm khó doanh nghiệp mà không phục vụ bất cứ nhu cầu quản lý nhà nước nào; cũng không để bất cứ một ý tưởng, sáng kiến kinh doanh nào đơn độc trong sự phát triển.

Tất nhiên, mọi đề xuất sẽ cần có thời gian, lộ trình xem xét, nhưng điều quan trọng thông điệp được đưa ra rất rõ. Chính phủ không chỉ bãi bỏ điều kiện kinh doanh mà sẽ tiếp tục thu hẹp các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mở rộng cửa để người dân, doanh nghiệp sáng tạo.

Song, không phải dễ để có những đề xuất này. Thậm chí, so với những dự thảo ban đầu, số lượng các ngành nghề bị loại ra này đã ít hơn.

“Tôi vẫn cho là có thể loại bỏ hơn nữa. Nhiều cơ quan vẫn đặt vấn đề nếu để doanh nghiệp làm mà không kiểm soát xem họ có tiền không, có người đủ năng lực không, họ sẽ lấy tiền ở đâu, nguồn lực nào… Tư duy này đã quá cũ so với xu thể phát triển, nhưng nếu nó chi phối cơ chế, chính sách, môi trường kinh doanh sẽ không dung dưỡng sức sáng tạo - nguồn lực sẽ làm nên không chỉ tốc độ mà cả sức bất mới của nền kinh tế. Tại sao chúng ta không nhìn vào sự thay đổi của doanh nghiệp để thay đổi”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đặt vấn đề.

Sự thay đổi của doanh nghiệp mà ông Cung nhắc đến không chỉ đến từ các doanh nghiệp trên toàn cầu, mà chính từ các doanh nghiệp Việt Nam. Đó là sự sẵn sàng của Vingroup khi bước chân vào ngành công nghiệp ô tô với kinh nghiệm bằng 0 hay những kiên trì của Vietjet, FLC Group và tới đây sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp khi tham gia thị trường hàng không đầy rẫy điều kiện kinh doanh. Thậm chí, sự thành công của Sungroup trong Dự án Sân bay Vân Đồn cũng là một bài học lớn.

“Tôi thấy có sự khác biệt trong tư duy của những doanh nghiệp này. Họ tư duy các kế hoạch kinh doanh theo hệ sinh thái, kế hoạch này gắn với kế hoạch kia; cái này là cầu của cái kia, là cung của kế hoạch khác… Nhà nước có tư duy hệ sinh thái được không khi xây dựng thể chế, có phối hợp các bộ, ngành với nhau để hoàn tất hệ sinh thái này trên lợi ích chung của nền kinh tế không. Có sẵn sàng thử nhiệm chính sách, có năng lực chấp nhận cái mới hay không. Có coi thể chế sandbox là công cụ, phương thức trong xây dựng thể chế của Việt Nam hay không?”, ông Cung đặt vấn đề.

20 năm trước, Việt Nam đã tạo nên cuộc cách mạng trong môi trường kinh doanh, khi cho phép doanh nghiệp tư nhân làm tất cả những gì pháp luật không cấm, Nhà nước chỉ làm những doanh nghiệp không làm được hay không muốn làm. Nhờ vậy, khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã có hơn 20 năm bứt phá.

Hiện tại, trong bối cảnh công nghệ và mạng Internet, doanh nghiệp có thể làm tất cả, thậm chí cả những thứ mà Nhà nước chưa làm được. Cũng có nghĩa, Nhà nước không thể ngồi yên, phải nhìn xu thế, nhìn doanh nghiệp để thay đổi. Nguồn lực mới cho nền kinh tế sẽ xuất hiện từ chính sự thay đổi này.

Tin mới lên