Thị trường

Taxi truyền thống 'thua' Uber, Grab vì phải gánh 10 điều kiện kinh doanh

(VNF) – Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã dẫn trường hợp cuộc chiến taxi truyền thống và taxi Uber, Grab để minh họa cho nhận định: nhiều điều kiện kinh doanh đang bóp chết sự sáng tạo của doanh nghiệp.

Taxi truyền thống 'thua' Uber, Grab vì phải gánh 10 điều kiện kinh doanh

Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó CIEM phát biểu về điều kiện kinh doanh tại Hội thảo của VCCI

Theo ông Hiếu, điều kiện kinh doanh là một con dao hai lưỡi. Nó cần thiết cho hoạt động quản lý của nhà nước song nếu bị lạm dụng sẽ gây ra cản trở cho xã hội. Thậm chí nhiều điều kiện kinh doanh đang khiến các doanh nghiệp quốc nội thua ngay trên sân nhà.

Lấy ví dụ về cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi Uber, Grab hiện nay, ông Hiếu khẳng định: "Nhiều người nói taxi truyền thống rất khó cạnh tranh do chậm đổi mới, không năng động, tôi không đồng ý. Tôi khẳng định doanh nghiệp Việt Nam rất đổi mới, rất năng động nhưng cái taxi truyền thống không cạnh tranh là do đang chịu áp đặt 10 điều kiện kinh doanh. Điều này khiến họ không thể áp dụng được khoa học công nghệ".

Cụ thể, ông Hiếu chỉ ra, taxi truyền thống muốn hoạt động phải chịu kiểm định, phải lắp đồng hồ trên xe, phải đăng ký tần số sóng, lái xe phải được tập huấn... "Tôi có trao đổi với anh Quý – Phó giám đốc Hiệp hội taxi TP. HCM, anh Quý nói mất mấy triệu để cho lái xe đi tập huấn nhưng cuối cùng doanh nghiệp phải đào tạo lại. Nhưng nếu không có chứng chỉ do cơ quan chức năng cấp thì không được lái xe. Như thế có thể thấy, có rất nhiều điều kiện kinh doanh đang giết chết sự sáng  tạo của taxi truyền thống".

"Ngay cả cái chữ truyền thống ấy" – ông Hiếu nói thêm – "thực chất cũng không phải là truyền thống gì mà là do nhà nước nghĩ ra, cho rằng taxi nó phải thế, tức là nhà nước áp đặt quan điểm vào và biến nó thành truyền thống. Nếu chúng ta mạnh dạn, dỡ bỏ các điều kiện kinh doanh thì cuộc chơi này sẽ trở nên sòng phẳng và thúc đẩy hoạt động kinh doanh hơn rất nhiều".

Viện phó CIEM: Taxi truyền thống thua Uber, Grab vì phải gánh 10 điều kiện kinh doanh ảnh 1

Ông Phan Đức Hiếu dẫn ví dụ taxi truyền thống - taxi Uber, Grab để minh họa cho tác động của điều kiện kinh doanh (ảnh chụp tại hội thảo do VCCI tổ chức sáng 22/3)

Vị Viện phó của CIEM cũng thẳng thắn chỉ ra, hiện có nhiều điều kiện kinh doanh đang được áp đặt quá mức cần thiết. Theo quy định của Luật Đầu tư, chỉ được quy định điều kiện kinh doanh nếu như có rủi ro cho an ninh quốc phòng, xã hội cộng đồng sức khỏe. Nhưng câu chữ chung chung như vậy đã dẫn đến việc lạm dụng, bởi suy cho cùng mọi hoạt động đều ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và an toàn xã hội.

"Ai bảo cái xe máy, ô tô hay điện thoại không ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe. Tuy nhiên điều quan trọng nhất về mặt lý luận là có rủi ro đấy nhưng rủi ro phải lớn đủ mức để nhà nước can thiệp còn không hãy để xã hội tự giải quyết, không cần thiết phải ban hành quy định", ông Hiếu nói.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng cho rằng không ít điều kiện kinh doanh đang tạo ra rào cản cho thị trường. Bất kể điều kiện gì được áp đặt đều tác động đến doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Tôi rất buồn cười khi có những quy định khi sinh viên đi kinh doanh đòi hỏi phải có kinh nghiệm 3 năm làm việc. Không cho người ta học việc mà đòi người ta có kinh nghiệm mới được được kinh doanh thì các sinh viên thất nghiệp nhiều là phải. Tại sao có thể khẳng định người có 3 năm kinh nghiệm giỏi hơn người có kiến thức như bác học?"

Viện phó CIEM: Taxi truyền thống thua Uber, Grab vì phải gánh 10 điều kiện kinh doanh ảnh 2

Nhiều điều kiện kinh doanh đang bóp chết sự sáng tạo của doanh nghiệp và ngăn cản họ cải tiến phương thức sản xuất, nâng cao hiệu quả

Đặc biệt, ông Hiếu nhận xét có hàng loạt điều kiện kinh doanh đang quy định theo hướng mô tả kĩ lưỡng hành vi mà doanh nghiệp phải tuân theo. Ví dụ để kinh doanh anh phải có một cái máy công suất thế này, cái máy dập đinh thế kia, vân vân và vân vân.

"Cái quan trọng nhất là sản xuất cái gì và sản xuất như thế nào thì nhà nước không cho doanh nghiệp quyết định mà bắt họ phải sản xuất và bán hàng theo cách mà mình mô tả.

"Điều này dẫn tới hậu quả nhãn tiền là hạn chế tính sáng tạo, hạn chế việc doanh nghiệp trở nên hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả. Chính phủ đang khuyến khích mô hình sản xuất theo chuỗi, khuyến khích doanh nghiệp chuyên nghiệp hóa mà bắt họ phải có đầy đủ máy móc thiết bị thì vô hình trung khiến việc chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả và hoạt động theo chuỗi bị kiềm chế".

Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho biết hiện có nhiều điều kiện kinh doanh đã áp đặt mức sàn, mức trần của sản lượng và công suất lên doanh nghiệp.

"Sản xuất bao nhiêu, sản xuất với quy mô nào đó là quyền của doanh nghiệp. Tại sao chúng ta lại bắt doanh nghiệp phải như thế này như thế kia thì mới được sản xuất và hạn chế cái quyền tự do hợp đồng, tự do thỏa thuận giá cả của họ", ông Hiếu nói.

Tin mới lên