Ngân hàng

Tăng vốn ngân hàng quốc doanh: Đường đi đã tỏ

(VNF) - Không còn "mù sương" như trước, đường tăng vốn của các ngân hàng quốc doanh giờ đây đã sáng tỏ.

Tăng vốn ngân hàng quốc doanh: Đường đi đã tỏ

Tăng vốn ngân hàng quốc doanh: Đường đi đã tỏ

Kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ dự kiến sẽ trình thông qua việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Dự kiến, sáng 8/6, Thống đốc Lê Minh Hưng thừa ủy quyền của Thủ tướng sẽ trình bày tờ trình về vấn đề này trước toàn thể Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh sẽ tiếp nối với phần trình bày báo cáo thẩm tra.

Theo nội dung báo cáo thẩm tra, thẩm quyền quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, về nguyên tắc, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank sẽ bao gồm nội dung về nguồn tăng vốn, việc quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước sẽ không phù hợp với việc "không sử dụng ngân sách Nhà nước để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại" quy định tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc Quốc hội xem xét, chấp thuận bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách Nhà nước sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Thủ tướng Chính phủ quyết định về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

"Cái gật đầu" từ Thường trực Ủy ban Kinh tế cho thấy con đường tăng vốn cho Agribank đã rộng mở. Với vai trò đặc thù, hỗ trợ các đối tượng chính sách, vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các đối tượng yếu thế..., Agribank dường như đang được "ưu ái" tăng vốn hơn so với 3 ngân hàng quốc doanh còn lại.

Trên thực tế, tình huống của Agribank hiện cũng ngặt nghèo nhất trong số các ngân hàng quốc doanh khi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II nằm sâu dưới chuẩn (thời điểm 31/3/2020 chỉ đạt 6,9%, không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định).

Như vậy, nhiều khả năng ít nhất trong năm nay, 3 ngân hàng quốc doanh còn lại gồm VietinBank, Vietcombank và BIDV sẽ phải "tự lo" chuyện tăng vốn mà không dựa vào hầu bao ngân sách.

Chia sẻ tại đại hội đông cổ đông thường niên tổ chức gần đây, Chủ tịch VietinBank Lê Đức Thọ đã nêu khá rõ lộ trình tăng vốn trước mắt của ngân hàng, đó là giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017, năm 2018 và sẽ tiếp tục đề xuất thực hiện tương tự trong năm 2019.

Người đứng đầu VietinBank nhấn mạnh ngân hàng đủ vốn để cung ứng cho nền kinh tế. Tỷ lệ CAR theo Basel II của ngân hàng này hiện đã ở mức 8,6%, cao hơn yêu cầu tối thiểu 8%.

"Cửa" tăng vốn từ nguồn ngân sách khá hẹp nên có một số ý kiến cho rằng VietinBank sẽ thí điểm hạ tỷ lệ sở hữu tối thiểu của Nhà nước để phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên, ông Lê Đức Thọ đã khẳng định rằng "hiện nay chưa có và tôi chưa nắm được thông tin nào của vấn đề này". 

Đối với Vietcombank, sau thương vụ phát hành riêng lẻ thành công cho hai đối tác nước ngoài đầu năm 2019, thu về khoảng 6.000 tỷ đồng, ngân hàng này đang có kế hoạch tăng vốn đầy tham vọng.

Theo tài liệu gửi đến các nhà đầu tư mới đây, Vietcombank đang có kế hoạch tăng vốn thêm khoảng 23.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2019 - 2021. Cùng với đó, giữ lại khoảng 23.000 tỷ đồng lợi nhuận trong giai đoạn 2018 - 2021.

Vietcombank có kế hoạch tăng vốn đầy tham vọng

Theo kế hoạch, vốn tự có (bao gồm vốn điều lệ và vốn thặng dư, lợi nhuận giữ lại, quỹ dự trữ và vốn khác) của Vietcombank sẽ đạt 109.000 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2020 và lên đến 140.000 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2021.

Trong khi đó, BIDV, sau thương vụ tăng vốn đình đám thu về trên 20.000 tỷ đồng, dự định sẽ tiếp tục tăng vốn trong giai đoạn 2020 - 2021.

Theo Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thông qua hồi tháng 3 vừa qua, trong hai năm này, BIDV sẽ chào bán cổ phiếu ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ 341,5 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 8,5% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2019.

Đối tượng phát hành đối với hình thức chào bán cổ phần ra công chúng là tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Còn đối với hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ, chào bán cho các nhà đầu tư đáp ứng tiêu chí là nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính, có thể bao gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu của BIDV, tối đa không quá 100 nhà đầu tư.

Không còn "mù sương" với đầy những phỏng đoán mơ hồ, đường tăng vốn của các ngân hàng quốc doanh giờ đây đã sáng tỏ.

Tin mới lên