Tiêu điểm

Tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng thấp nhất trong 3 năm, Thường trực Chính phủ họp tìm giải pháp

(VNF) - Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để bàn về các giải pháp thúc đẩy thương mại, nhất là với các đối tác lớn như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản… trong bối cảnh tình hình kinh tế, thương mại khu vực và quốc tế đang có nhiều thay đổi, biến động khó lường. 

Tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng thấp nhất trong 3 năm, Thường trực Chính phủ họp tìm giải pháp

Tăng trưởng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 7,3%, thấp nhất kể từ năm 2017

Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, khu vực suy giảm, cạnh tranh thương mại đang diễn ra rất gay gắt, các bộ, ngành cần chủ động có các bước đi, cách làm thiết thực, phù hợp để thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, tạo thêm việc làm; đồng thời giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục đà tăng trưởng, phát triển bền vững; trong đó phải chú ý đảm bảo hài hòa quan hệ thương mại với các đối tác, nhất là với các đối tác lớn như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc… trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. 

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài triển khai hiệu quả các dự án đầu tư tại Việt Nam, nhất là các tập đoàn lớn có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có tiềm lực tài chính lớn và có các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu. 

Về dài hạn, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các chính sách, khung thể chế điều chỉnh những nội dung đang được các đối tác quan tâm như: thương mại, tiền tệ, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, an ninh mạng…trên quan điểm toàn diện, bền vững, thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng hiệu quả, đôi bên cùng có lợi và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. 

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan chủ động các phương án ứng phó với những tình huống bất thường xảy ra; chủ động thông tin, truyền thông phù hợp, bình ổn thị trường.

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM), trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 122,72 tỷ USD, tăng 7,3%. Mức tăng này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2017-2018 (lần lượt là 19,4% và 16,4%).

Tăng trưởng xuất khẩu chậm lại là do 3 nguyên nhân: suy giảm thương mại toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc; một số tập đoàn FDI lớn có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm hơn so với các năm trước; xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn cả về giá và các yêu cầu, quy định của một số thị trường nhập khẩu (chẳng hạn như Trung Quốc, EU, Australia…)

Xét theo khu vực, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước đạt 36,82 tỷ USD, tăng 10,8%, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 85,90 tỷ USD, tăng 5,9%, chiếm 70%.

“Như vậy, khu vực doanh nghiệp trong nước đã tăng trưởng xuất khẩu nhanh hơn, trong bối cảnh suy giảm xuất khẩu của doanh nghiệp FDI. Sâu xa hơn, kết quả này có thể hàm ý doanh nghiệp trong nước thực sự có đủ sức sống, sức thích ứng và khả năng tham gia hoạt động xuất khẩu – khi tác động chèn lấn từ khu vực FDI giảm bớt”, CIEM nhận xét.

Về nhập khẩu, 6 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 122,76 tỷ USD, tăng 10,5%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 52,54 tỷ USD, tăng 14,4%, đóng góp 5,96 điểm phần trăm vào tốc độ tăng nhập khẩu chung. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 70,22 tỷ USD, tăng 7,8%, đóng góp 4,56 điểm phần trăm vào tốc độ tăng nhập khẩu chung.

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng đến 22,4%. Trung Quốc đứng thứ ba trong danh sách thị trường xuất khẩu của Việt Nam, đạt 16,8 tỷ USD, chỉ tăng 1%. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 36,8 tỷ USD, tăng tới 21,8%. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc có tác động chuyển hướng thương mại từ Mỹ sang Việt Nam đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam chịu thâm hụt thương mại 34 triệu USD. Nhập siêu chủ yếu đến từ khu vực doanh nghiệp trong nước, ở mức 15,72 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,68 tỷ USD.

Trong mười đối tác thương mại lớn nhất, Việt Nam chỉ đạt thặng dư với 3 thị trường. Trong đó, Việt Nam đạt thặng dư 20,4 tỷ USD với Mỹ; 13,7 tỷ USD với EU và hơn 900 triệu USD với Nhật Bản. Ngược lại, Việt Nam chịu thâm hụt thương mại lớn nhất với Trung Quốc (20 tỷ USD), tiếp đó là Hàn Quốc (13,7 tỷ USD).

Tin mới lên