Thị trường

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong 27 năm

Trung Quốc dự kiến sẽ báo cáo tăng trưởng kinh tế chậm lại với tốc độ yếu nhất trong ít nhất 27 năm trong quý hai, hậu quả của chiến tranh thương mại kéo dài với Mỹ.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong 27 năm

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong 27 năm.

Các nhà phân tích dự đoán Trung Quốc sẽ báo cáo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,2% trong quý từ tháng 4 đến tháng 6 so với một năm trước đó, tốc độ chậm nhất kể từ quý I năm 1992.

Công nhân bốc hàng lên một cần cẩu tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 7/6

Theo Reuters, điều này sẽ đánh dấu sự mất đà hơn nữa từ mức 6,4% của quý trước và có thể đưa tăng trưởng kinh tế cả năm xuống mức thấp nhất của gần 30 năm là 6,2%.

Chính phủ đã đưa ra nhiều chương trình kích thích tài khóa để củng cố tăng trưởng trong năm nay, tuyên bố cắt giảm thuế khổng lồ trị giá gần 2 nghìn tỷ nhân dân tệ (291 tỷ USD) và hạn ngạch 2,15 nghìn tỷ nhân dân tệ để phát hành trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, nền kinh tế đã chậm phản ứng và niềm tin kinh doanh vẫn không ổn định, đè nặng lên đầu tư. Các nhà đầu tư lo ngại cuộc chiến thương mại kéo dài và tốn kém hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.

Chính phủ sẽ công bố dữ liệu GDP quý II vào ngày 15/7 cùng với dữ liệu hoạt động cho tháng 6, cho thấy sự yếu kém vẫn tiếp diễn.

Dữ liệu hôm 12/7 cho thấy xuất khẩu giảm trong tháng 6 sau khi Mỹ tăng mạnh thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, trong khi nhập khẩu giảm hơn dự kiến, làm nổi bật nhu cầu trì trệ trong nước. Tuy nhiên, cho vay ngân hàng và dữ liệu tín dụng phần lớn vẫn vững chắc.

Số liệu chính thức trong tháng 6 cho thấy các nhà sản xuất Trung Quốc đang cắt giảm lao động với tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập kỷ trước.

Cuối tháng 6, các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý đưa các cuộc đàm phán thương mại trở lại đúng hướng sau khi đàm phán đổ vỡ vào tháng 5. Washington nói rằng sẽ hoãn thuế quan bổ sung.

Tuy nhiên, các mức thuế hiện hành được áp đặt bởi cả hai bên vẫn được áp dụng, gây áp lực lên lợi nhuận và chuỗi cung ứng và hai bên vẫn mâu thuẫn về các vấn đề quan trọng cần thiết cho một thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài từ cuối năm ngoái.

Xem thêm: Việt Nam không nên nghĩ đến đường sắt cao tốc 58,7 tỷ USD tốn kém, nhiều rủi ro

Tin mới lên