Ngân hàng

Tăng trưởng cho vay quý I/2019: Ngân hàng lớn được đà, ngân hàng nhỏ yếu thế

(VNF) - Dữ liệu tăng trưởng cho vay quý I/2019 cho thấy một hiện tượng: tăng trưởng cho vay của nhóm ngân hàng top dưới "èo uột" hơn nhiều nhóm ngân hàng top trên.

Tăng trưởng cho vay quý I/2019: Ngân hàng lớn được đà, ngân hàng nhỏ yếu thế

Tăng trưởng cho vay quý I/2019: Ngân hàng lớn được đà, ngân hàng nhỏ yếu thế

Quý đầu năm khép lại, bức tranh về dư nợ cho vay của các ngân hàng Việt cũng dần hiện ra. Tổng hợp tại 22 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính cho thấy, kết thúc quý I/2019, BIDV dẫn đầu với dư nợ cho vay trên 1 triệu tỷ đồng. Theo sau là VietinBank và Vietcombank với dư nợ cho vay lần lượt trên 860.000 tỷ đồng và trên 670.000 tỷ đồng.

Nhóm "200.000 nghìn tỷ" gọi tên những ngân hàng quen thuộc như Sacombank (trên 271.000 tỷ), ACB (trên 237.000 tỷ), VPBank (trên 231.000 tỷ), MB (trên 229.000 tỷ) và SHB (trên 226.000 tỷ).

Mặc dù là ngân hàng lớn xét về vốn chủ sở hữu cũng như giá trị vốn hóa nhưng dư nợ cho vay của Techcombank chỉ trên 163.000 tỷ đồng. Nguyên nhân là ngân hàng này dồn khá nhiều nguồn lực cho trái phiếu doanh nghiệp (cũng là một cấu phần của dư nợ tín dụng), thay vì dồn phần lớn nguồn lực để cho vay khách hàng như tuyệt đại đa số các ngân hàng khác.

Các ngân hàng có dư nợ cho vay trên 100.000 tỷ đồng có thể kể đến HDBank, LienVietPostBank, VIB và Eximbank. Còn lại, TPBank, BacABank, MSB, VietBank, NCB, VietCapitalBank, Kienlongbank, PGBank, Saigonbank đều có dư nợ cho vay dưới 100.000 tỷ đồng.

Một xu hướng đáng chú ý khi nhìn vào tăng trưởng dư nợ cho vay quý I/2019 là việc nhiều ngân hàng top dưới về dư nợ cho vay ghi nhận tăng trưởng dư nợ cho vay rất thấp, thậm chí là âm, trong khi đó, tăng trưởng dư nợ cho vay ở các ngân hàng top trên đa phần ở mức khá cao.

Cụ thể, các ngân hàng có dư nợ cho vay gần như không tăng gồm Eximbank (-3,1%), MSB (0,02%), VietBank (0,87%), NCB (-2,5%), Saigonbank (-0,4%). Tăng trưởng dư nợ cho vay ở VietCapitalBank và PGBank cũng ở mức thấp, lần lượt chỉ 1,32% và 1,87%.

Dù vậy, cũng phải kể đến trường hợp đặc biệt là TPBank. Quý I/2019, TPBank ghi nhận tăng trưởng dư nợ cho vay đến 9,77%, cao nhất hệ thống ngân hàng. Nếu tính cả các cấu phần khác, dư nợ tín dụng của TPBank tăng tới 11% trong quý vừa qua, trong khi hạn mức được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ 13%, nghĩa là nếu không được gia hạn thêm, 9 tháng còn lại năm nay, TPBank chỉ được tăng trưởng tín dụng thêm... 2%.

Bên cạnh TPBank, một ngân hàng top dưới hiếm hoi khác có tăng trưởng cho vay cao là VIB với mức tăng 6% trong 3 tháng đầu năm.

Trong khi đó, ở các ngân hàng top trên, ngoại trừ trường hợp đặc biệt của VietinBank (tăng trưởng dư nợ cho vay âm vì "đụng sàn" hệ số an toàn vốn) thì đều có tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay trên 2,4%. Một số ngân hàng lớn ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn đáng kể phần còn lại có thể kể đến Vietcombank (6,38%), MB (6,75%) và Sacombank (5,61%).

Tình hình cho vay của 22 ngân hàng Việt Nam trong quý I/2019

Việc tăng trưởng cho vay của nhóm ngân hàng top dưới "èo uột" hơn nhiều nhóm ngân hàng top trên là chỉ báo cho thấy các ngân hàng cỡ nhỏ đang ngày càng yếu thế so với các ngân hàng cỡ lớn. Thị phần cho vay đã nhỏ, nay lại ngày càng teo tóp bởi thua thiệt về quy mô, nguồn lực, mạng lưới...

Đối với các ngân hàng đã tăng trưởng cho vay nhanh trong quý đầu năm, đồng nghĩa với việc hạn mức tăng trưởng cho vay trong 3 quý còn lại sẽ hẹp hơn, lựa chọn tiếp theo sẽ là xin gia hạn thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng hoặc/và dần cơ cấu lại dư nợ cho vay theo hướng tăng biên lợi nhuận, nhằm bù đắp sự "co lại" trong tăng trưởng dư nợ cho vay.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng đi kèm với việc biên lợi nhuận tăng lên là rủi ro cũng tăng lên, kéo theo đó là tỷ lệ nợ xấu cũng có thể tăng lên. Nếu ngân hàng đã ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý I/2019 (như Vietcombank tăng trưởng lợi nhuận tới 35% trong quý I/2019, vượt xa kế hoạch tăng 9,5% của cả năm) thì có thể không cần "hy sinh" tỷ lệ nợ xấu.

Tin mới lên