Thị trường

Tăng thuế nhập khẩu đối với thép cuộn cán nóng, Bộ Tài chính có thiên vị?

(VNF) – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Nghiêm Xuân Đa, cho rằng khi ban hành hay sửa đổi bất kỳ sắc thuế nào, cơ quan nhà nước cũng cần xét tới tổng thể của ngành chịu ảnh hưởng.

Tăng thuế nhập khẩu đối với thép cuộn cán nóng, Bộ Tài chính có thiên vị?

Ảnh minh họa

Như VietnamFinance đã thông tin, Bộ Tài chính đang xin ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính dự kiến áp dụng biện pháp tăng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường (MFN) đối với thép cuộn cán nóng (HRC) nhóm 72.08 từ 0% lên 5%.

"Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang làm dấy lên lo ngại về việc thép giá rẻ Trung Quốc có thể lan tràn vào Việt Nam, kéo theo giá thép trên thị trường giảm mạnh. Điều này khiến nhà máy sản xuất thép lớn nhất Việt Nam đang cân nhắc tạm dừng kế hoạch triển khai lò cao số 3", Bộ Tài chính nêu lý do đề xuất tăng thuế.

Bình luận về lý do tăng thuế này, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho hay thông tin “nhà máy thép lớn nhất Việt Nam cân nhắc tạm dừng kế hoạch triển khai lò cao số 3” chưa được kiểm chứng, không biết độ xác thực.

“Có thể Bộ Tài chính trích thông tin này ở tờ báo nào đó chứ nhà máy thép lớn nhất hiện nay là Formosa Hà Tĩnh (FHS) có văn bản nào đâu. Chưa kể rằng FHS còn có công văn ủng hộ việc không tăng thuế nhập HRC mà”, ông Đa nói với VietnamFinance.

Trả lời câu hỏi có hay không việc Bộ Tài chính đang thiên vị cho nhà máy sản xuất thép lớn nhất (nếu thông tin trên là xác thực), ông Đa cho rằng không nên quy kết Bộ thiên vị. Nhưng ông nhấn mạnh rằng khi muốn ban hành/sửa đổi bất kỳ sắc thuế nào cơ quan nhà nước cũng phải xét tới tổng thế của ngành đó, ở trường này là ngành thép.

“Ngành thép có nhiều người chơi, nhiều nhà sản xuất, có người tiêu dùng, có nhà đầu tư, không phải chỉ có nhà máy sản xuất thép lớn nhất”, ông Đa nói.

Được biết, Hiệp hội Thép Việt Nam mới đây cũng đã có văn bản góp ý đối với đề xuất tăng thuế nhập khẩu HRC. Trong văn bản này, hiệp hội cho rằng biện pháp tăng thuế nhập khẩu chẳng những không hạn chế được thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam mà còn tạo cơ hội để lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc gia tăng.

Nguyên do là Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) nên thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 từ Trung Quốc vào Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt 0% theo hiệp định này. Do đó, nếu tăng thuế suất MFN từ 0% lên 5% thì thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 của Trung Quốc sẽ vẫn được nhập khẩu vào Việt Nam với thuế suất 0%.

Ở phía ngược lại, lượng thép cuộn cán nóng nhập từ Ấn Độ, Đài Loan… sẽ phải chịu mức thuế suất MFN là 5% thay vì 0% như hiện nay do Việt Nam chưa có FTA với những thị trường này, hoặc đã ký FTA nhưng không cam kết nhập khẩu ưu đãi dẫn đến không cạnh tranh được với thép Trung Quốc. Khi đó, lượng thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ chiếm tỷ trọng ít nhất từ 70 - 80% tổng lượng thép cuộn cán nóng nhập khẩu vào Việt Nam.

Không những thế, tăng thuế suất MFN đối với thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 còn gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất thép cán nguội, tôn mạ và ống thép trong bối cảnh sản xuất ngày càng khó khăn.

Được biết, Tập đoàn Hoa Sen cũng đã có văn bản phản đối đề xuất tăng thuế nhập khẩu HRC của Bộ Tài chính.

Xem thêm >>> Hoa Sen phản đối tăng thuế nhập khẩu HRC để 'cứu' nhà máy sản xuất thép lớn nhất Việt Nam

Tin mới lên