Tài chính

Tái cơ cấu Vinacafe 'hầu như không có kết quả'

(VNF) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết đến thời điểm này, Tổng công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe) hầu như không thực hiện được nhiệm vụ tái cơ cấu theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tái cơ cấu Vinacafe 'hầu như không có kết quả'

Tính đến ngày 31/12/2017, tổ hợp công ty mẹ và công ty con còn lỗ lũy kế 345 tỷ đồng

Theo báo cáo của Vinacafe, tính đến ngày 31/12/2017, tổ hợp công ty mẹ và công ty con còn lỗ lũy kế 345 tỷ đồng, nợ phải thu khó đòi trên 500 tỷ đồng. Vì vậy, việc tái cơ cấu doanh nghiệp là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT nhận định “việc triển khai thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu các đơn vị thành viên của Tổng công ty hầu như không có kết quả”.

Theo đó, giai đoạn từ 2015-2017, Vinacafe thực hiện sắp xếp, đổi mới theo quyết định số 2252/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng, đến thời điểm này hoạt động cổ phần hóa đổi với Công ty mẹ - Tổng công ty chưa thực hiện.

Theo kế hoạch, Vinacafe phải thực hiện cổ phần hóa đối với 18 công ty TNHH một thành viên nhưng công ty mới cổ phần hóa được 5 công ty là: Công ty TNHH một thành viên cà phê 715B, Ia Blan, 734, 705 và Dăk Nông.

Trước giai đoạn 2015-2017, Vinacafe đã cổ phần hóa được 3 doanh nghiệp là Công ty Dịch vụ Xuất nhập khẩu cà phê II Nha Trang, Chi nhánh miền Bắc và Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Đà Lạt.

Về thoái vốn, tính chung từ 2012 tới nay, Vinacafe đã hoàn thành thoái vốn tại 5 doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu cà phê Intimex Nha Trang; Công ty Cổ phần giống cây trồng Vinacafe Tây Nguyên; Công ty Cổ phần Sản xuất kinh doanh phân bón Vinacafe và Công ty Cổ phần Cà phê Biên Hòa. Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Vinacafe Đắk Lắk đã chuyển từ thoái vốn sang phá sản.

Bộ NN&PTNT chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến sự đình trệ của quá trình tái cơ cấu Vinacaphe, trong đó nổi bật nhất là các vướng mắc về đất đai.

Theo văn bản của Bộ NN&PTNT, toàn tổng công ty có 3.205,09ha đất thuộc 18/32 công ty đang có xung đột, tranh chấp phức tạp về đất đai, chiếm 10,95%, chủ yếu ở Đắk Lắk.

Ngoài ra, việc phê duyệt phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa cũng được cho là chậm. Phương án sử dụng đất của các đơn vị về cơ bản đều do các đơn vị tự xác lập, không thống nhất được với chính quyền địa phương. Đến thời điểm hiện nay mới có 14/28 đơn vị được phê duyệt phương án sử dụng đất. Đây cũng là nguyên nhân khiến quá trình tái cơ cấu chậm tiến độ.

Tin mới lên