Tài chính

Tài chính tuần qua: 'Cơ hội mở' cho doanh nghiệp nhiệt điện, PNJ trở lại bình thường sau sự cố ERP

(VNF) - Cùng VietnamFinance điểm lại những thông tin tài chính đáng chú ý tuần qua: "cơ hội mở" cho doanh nghiệp nhiệt điện; Việt Nam chưa được FTSE nâng hạng do quy định "có đủ tiền mới được giao dịch"; PNJ trở lại hoạt động bình thường sau sự cố ERP; Nam Việt báo lãi 9 tháng tăng 66% lên 510 tỷ đồng; cổ phiếu Vietravel tăng kịch trần trong ngày chào sàn...

Tài chính tuần qua: 'Cơ hội mở' cho doanh nghiệp nhiệt điện, PNJ trở lại bình thường sau sự cố ERP

Tài chính tuần qua: 'Cơ hội mở' cho doanh nghiệp nhiệt điện, PNJ trở lại bình thường sau sự cố ERP

Bamboo Airways sẽ IPO vào năm 2020 để huy động 100 triệu USD

Bamboo Airways kỳ vọng sẽ huy động được khoảng 100 triệu USD từ IPO dự kiến thực hiện vào năm tới (2020) để tăng quy mô ở Việt Nam - một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới.

"Huy động vốn qua IPO sẽ giúp chúng tôi mở rộng đội tàu bay, với mục tiêu chiếm 30% thị trường nội địa vào năm tới", ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

"Hiện Bamboo Airways đang nắm giữ hơn 10% thị phần trong nước", ông Trịnh Văn Quyết nói thêm.

Ông Quyết cho biết Bamboo Airways sẽ lên sàn trong năm tới, sau khi IPO, nhưng chưa quyết định sẽ niêm yết ở sàn nào (Xem thêm)

'Cơ hội mở' cho doanh nghiệp nhiệt điện

Nguy cơ thiếu điện trong trung hạn đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp ngành điện nói chung và các doanh nghiệp nhiệt điện (điện than, điện khí) nói riêng.

Cụ thể, lâu nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn luôn ưu tiên mua điện từ các doanh nghiệp thủy điện do giá mua rẻ. Công suất phát điện của các doanh nghiệp nhiệt điện phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp thủy điện (thủy điện hiện chiếm tới trên 40% công suất phát điện toàn ngành).

Năm nào mưa nhiều (hiện tượng La Lina) thì công suất thủy điện cao, nhu cầu mua điện từ các doanh nghiệp nhiệt điện theo đó giảm đi. Ngược lại, năm nào mưa ít (hiện tượng El Nino) thì công suất thủy điện thấp, nhua cầu mua điện từ các doanh nghiệp nhiệt điện tăng lên.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu điện, EVN sẽ buộc phải huy động tối đa công suất các nguồn điện. Do thủy điện đã đạt giới hạn về công suất nên đối tượng hưởng lợi chính từ nguy cơ thiếu điện sẽ là các doanh nghiệp nhiệt điện. Các doanh nghiệp này theo đó cũng sẽ ít phụ thuộc hơn vào diễn biến thủy điện. (Xem thêm)

Cuộc đua giữa hai 'ông lớn' ngành nhựa: Người Thái tạo khác biệt

Trong khi Nhựa Tiền Phong phụ thuộc hoàn toàn vào các đối tác ngoại trong vấn đề nguyên vật liệu đầu vào thì Nhựa Bình Minh đang tiến tới chủ động hoàn toàn nguồn nguyên vật liệu, nhờ nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn SCG (Thái Lan).

Cụ thể, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), việc là công ty con của SCG giúp Nhựa Bình Minh trở thành mắt xích cuối trong chuỗi giá trị ngành nhựa của SCG, bao gồm: Xi măng - Vật liệu xây dựng, Hóa chất ngành hạt nhựa và Bao bì - Nhựa thành phẩm.

"Với việc hưởng lợi từ chuỗi giá trị ngành nhựa trong hệ sinh thái SCG, Nhựa Bình Minh có thể nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty trong điều kiện giá nguyên liệu đang chiếm đến 70-75% cơ cấu giá vốn hàng bán, đồng thời giảm bớt sự ảnh hưởng lớn bởi biến động giá trên thị trường thế giới đối với nguyên vật liệu nhập khẩu của công ty", PHS cho hay.

Sở dĩ Nhựa Bình Minh được hưởng lợi như vậy là bởi Công ty TNHH Nhựa và hóa chất TPC Vina - nhà cung cấp chính nguyên liệu bột nhựa lớn nhất của Nhựa Bình Minh - chính là công ty con của SCG.

Được biết, SCG hiện đang sở hữu 70% vốn điều lệ TPC Vina. (Xem thêm)

Việt Nam chưa được FTSE nâng hạng do quy định "có đủ tiền mới được giao dịch"

FTSE Russell - cơ quan xây dựng chỉ số FTSE - vừa công bố bản cập nhật phân hạng thị trường cổ phiếu của các quốc gia. Theo đó, Việt Nam vẫn trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging Market), nghĩa là chưa được nâng hạng.

Phía FTSE cho biết Việt Nam vẫn thỏa mãn các tiêu chí như kỳ đánh giá trước đó. Điểm hạn chế, theo FTSE, là việc Việt Nam tiếp tục bị duy trì quy định kiểm tra nguồn tiền sẵn sàng trước khi giao dịch.

Theo thông lệ quốc tế, chỉ cần kiểm tra số dư tiền vào ngày T+2 rồi thực hiện chuyển giao cổ phiếu và thanh toán, thay vì việc kiểm tra tài khoản và trừ tiền ngay tại thời điểm T+0 (nghĩa là phải có tiền trong tài khoản mới được giao dịch). (Xem thêm)

Vĩnh Hoàn đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu quỹ

Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) mới đây đã công bố thông tin về việc mua cổ phiếu quỹ.

Theo đó, Vĩnh Hoàn dự kiến mua vào tối đa 2 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ.

Phía Vĩnh Hoàn cho biết sở dĩ mua vào cổ phiếu quỹ là bởi thị giá cổ phiếu VHC đang ở mức thấp và không phản ánh đúng giá trị của công ty. Đồng thời, công ty cũng đang có nguồn vốn giữ lại và thặng dư vốn cổ phần lớn. Quyết định mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ là nhằm giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành, hỗ trợ giao dịch, gia tăng giá trị cho cổ đông.

Khoảng gần 1 năm trở lại đây, cổ phiếu VHC liên tục suy giảm sau thời kỳ tăng giá mạnh trước đó.

Tính toán cho thấy, thị giá của VHC đã giảm khoảng 30% từ đỉnh. Cụ thể, trong khi thị giá chốt phiên ngày 23/11/2018 là 110.080 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh sau 2 lần chia cổ tức) thì đến phiên 27/9/2019, thị giá VHC chỉ còn 79.000 đồng/cổ phiếu.

PNJ trở lại hoạt động bình thường sau sự cố ERP

Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ), doanh thu thuần trong 8 tháng đầu năm 2019 của PNJ đạt 10.281 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế đạt 710 tỷ đồng, tăng 12%.

Lũy kế 8 tháng, biên lợi nhuận gộp của PNJ vẫn duy trì mức cao 21%, cao hơn so với mức 18,4% của cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết ngày 31/8/2019, PNJ đã mở mới 23 cửa hàng (gồm 21 cửa hàng PNJ Gold, 1 cửa hàng PNJ Silver và 1 cửa hàng CAO) và đóng 4 cửa hàng, nâng tổng số lượng cửa hàng lên 343 cửa hàng tại 53/63 tỉnh thành trên toàn quốc.

Hiện tại, PNJ đang có 22 cửa hàng PNJ Watch, bao gồm 19 cửa hàng shop-in-shop, 1 cửa hàng signature, 1 cửa hàng độc lập và 1 cửa hàng trong trung tâm thương mại.

PNJ cho biết năng lực sản xuất của công ty đã quay trở lại mức 100% sau 4 tháng kể từ ngày chính thức vận hành hệ thống ERP – SAP. PNJ kỳ vọng khi hệ thống SAP đi vào vận hành ổn định sẽ giúp công ty tối ưu hóa quá trình vận hành nhờ vào việc tiết giảm chi phí, và quản lý hao hụt tốt hơn, cải thiện vốn lưu động của toàn công ty, đồng thời giúp quản lý tồn kho tốt hơn và nâng cao năng lực bán lẻ trên toàn hệ thống.

Nam Việt dự lãi 510 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng 66%

Chia sẻ tại hội thảo "Ngành thuỷ sản và cơ hội cho Nam Việt trong vòng xoáy thương mại toàn cầu" diễn ra mới đây, đại diện Công ty Cổ phần Nam Việt (HoSE: ANV) cho biết 9 tháng đầu năm nay, dự kiến doanh thu thuần đạt 3.105 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế đạt 510 tỷ đồng, tăng 66%.

So với kế hoạch cả năm, Nam Việt dự kiến đã hoàn thành 66% chỉ tiêu doanh thu và 73% chỉ tiêu lợi nhuận.

Hiện tại, Nam Việt đang tập trung mạnh cho dự án chiến lược là vùng nuôi Bình Phú, có diện tích 600 ha. Nam Việt sở hữu 500 ha trong số đó và được quy hoạch thẳng theo quy mô lớn.

Dự án Bình Phú đủ điều kiện áp dụng các biện pháp công nghệ cao, kỳ vọng sẽ giúp giá thành sản phẩm của Nam Việt tối ưu hơn.

Lãnh đạo của Nam Việt nhấn mạnh dự án này sẽ thu hoạch đầu năm sau và đây là dự án ứng dụng công nghệ cao nên được miễn thuế 4 năm, giảm thuế 50% năm trong 9 năm và hưởng mức thuế 10% trong 12 năm.

Sau 30 phiên giảm sàn, cổ phiếu FTM bật tăng trần

Sau khi trải qua 30 phiên giảm sàn liên tiếp, khiến cổ phiếu rớt từ mức 23.650 đồng/cổ phiếu mở phiên 15/8 xuống chỉ còn 2.790 đồng/cổ phiếu chốt phiên 26/9, FTM bất ngờ bật tăng trần trong phiên 27/9, lên 2.980 đồng/cổ phiếu.

Được biết, đã có một cuộc họp của 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng thương mại, đi đến thống nhất mức tổng dư nợ cho vay ký quỹ (margin) đối với mã chứng khoán FTM của Công ty Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HoSE: FTM) là khoảng 200 tỷ đồng. Đồng thời, những "người bị hại" này cho rằng cổ phiếu FTM có dấu hiệu bị thao túng giá.

Liên quan đến diễn biến này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), các cơ quan quản lý đã nắm được thông tin liên quan tới diễn biến cổ phiếu FTM của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Đức Quân.

"Hiện tại, UBCKNN, HoSE và các đơn vị chức năng liên quan đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để xác minh, làm rõ thông tin", phía UBCKNN cho hay.

Cơ quan này thông tin thêm, do sự việc mới đang trong quá trình triển khai nên chưa có thông tin chi tiết, cụ thể, nên khi có thông tin chính xác sẽ cung cấp kịp thời, đầy đủ tới công chúng.

Vợ ông Bùi Thành Nhơn dự chi 2.700 tỷ đồng mua cổ phiếu Novaland

Bà Cao Thị Ngọc Sương, vợ ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL) mới đây đã thông báo đăng ký mua 43 triệu cổ phiếu NVL với mục đích là để đầu tư.

Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ ngày 30/9 đến ngày 29/10.

Trước đó, bà Ngọc Sương đã mua hơn 2,2 triệu cổ phiếu NVL qua phương thức thỏa thuận ngày 18/7/2019.

Hiện bà Cao Thị Ngọc Sương đang sở hữu hơn 2,2 triệu cổ phiếu NVL, tương đương 0,235% vốn điều lệ Novaland.

Trong khi đó, chồng bà, ông Bùi Thành Nhơn, đang nắm giữ gần 191 triệu cổ phiếu NVL, tương đương tỷ lệ sở hữu 20,366%.

Traphaco giảm 17% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm 2019

Công ty Cổ phần Traphaco (HoSE: TRA) vừa công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường, theo đó, Traphaco quyết định giảm chỉ tiêu doanh thu hợp nhất cả năm 2019 từ 2.160 tỷ xuống 1.850 tỷ đồng, tương đương giảm 14,3%.

Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm cũng điều chỉnh giảm từ 205 tỷ đồng xuống 170 tỷ đồng, giảm 17%.

6 tháng đầu năm 2019, Traphaco đạt 796 tỷ đồng doanh thu thuần, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 73 tỷ đồng, tăng 18,3%.

So với chỉ tiêu năm 2019 (đã điều chỉnh), Traphaco đồng thời thực hiện được 43% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận.

Cổ phiếu của Vietravel tăng kịch trần trong ngày chào sàn

Ngày 27/9, 12,6 triệu cổ phiếu VTR của Công ty Cổ phần Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) đã chính thức chào sàn UPCoM.

Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 40.000 đồng/cổ phiếu.

Trong ngày chào sàn, VTR đã tăng kịch trần 40%, lên 56.000 đồng. Tại mức giá này, vốn hóa thị trường của Vietravel đạt gần 700 tỷ đồng.

Thành lập từ năm 1995, tiền thân là một công ty quốc doanh thuộc Bộ Giao thông vận tải, Vietravel trở thành công ty du lịch có mạng lưới lớn tại Việt Nam gồm 63 văn phòng tại 40 tỉnh thành trong nước, 7 văn phòng ở 6 nước ngoài và 1.700 cán bộ nhân viên...

Tổng tài sản của công ty đạt 1.654 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vietravel cho biết công ty sẽ hoàn thiện hệ sinh thái du lịch khi mua cổ phần một số khách sạn, góp cổ phần vào các công ty đường bộ và thành lập hãng hàng không.

Bên cạnh đó, Vietravel còn là cổ đông chiếm 60% cổ phần trường cao đẳng quốc tế KENT - một dự án đầu tư của Anh và Úc.

Ngoài ra, công ty còn tham gia mảng thương mại điện tử, hệ thống bán vé online.

Trong tương lai gần, Vietravel sẽ hoàn thiện hệ thống mạng bay trong nước và quốc tế, công ty đã bay thử nghiệm 5 năm nay với hàng nghìn chuyến bay giữa các địa phương trong nước và khu vực Đông Bắc Á.

Tin mới lên