Tài chính

Sức mua bật tăng, vì sao lợi nhuận quý III của Vinamilk vẫn giảm?

(VNF) - Quý III/2018, doanh thu thuần của Vinamilk tăng 3,33%, cao hơn hai quý trước. Lợi nhuận gộp cũng tăng trở lại sau hai quý giảm. Tuy nhiên, vì sao lợi nhuận trước thuế quý III của Vinamilk vẫn giảm?

Sức mua bật tăng, vì sao lợi nhuận quý III của Vinamilk vẫn giảm?

Sức mua bật tăng, vì sao lợi nhuận quý III của Vinamilk vẫn giảm?

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2018 với lợi nhuận trước thuế 3.033 tỷ đồng, giảm 5,87% so với quý III/2017.

Mặc dù lợi nhuận vẫn giảm trong quý vừa qua nhưng kết quả kinh doanh của Vinamilk vẫn có nhiều điểm cải thiện khá tích cực.

Thứ nhất, doanh thu thuần quý III/2018 của Vinamilk tăng 3,33% so với quý III/2017, cao hơn mức tăng 0,59% trong quý I và 2,65% trong quý II, cho thấy sức tiêu thụ sữa đã bật tăng trở lại.

Thứ hai, lợi nhuận gộp của Vinamilk đã tăng trở lại trong quý III/2018 với mức tăng 3,56%. Hai quý trước đó, lợi nhuận gộp của Vinamilk giảm so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt giảm 5,71% và 1,1% trong quý I và quý II/2018. Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện lên mức 47,3%, từ mức 47,1% của quý II và 45,3% của quý I.

Thứ ba, mặc dù lợi nhuận trước thuế giảm gần 6% nhưng mức giảm này đã thấp hơn mức giảm của quý I và quý II, lần lượt 8,62% và 8,22%, cho thấy tình hình lợi nhuận đã có chiều hướng tốt lên.

Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trước thuế của Vinamilk giảm trong quý III/2018, dù lợi nhuận gộp tăng, chủ yếu là do chi phí bán hàng tăng mạnh, từ mức 2.980 tỷ đồng quý III/2017 lên 3.410 tỷ đồng, tương ứng mức tăng tới 14,4%.

Quý I và quý II/2018, chi phí bán hàng của Vinamilk chỉ tăng lần lượt 0,66% và 4,05% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù báo cáo tài chính quý III/2018 của Vinamilk không thuyết minh về từng khoản mục chi phí bán hàng quý III nhưng căn cứ vào chi phí bán hàng 9 tháng, có thể thấy việc chi phí này tăng mạnh chủ yếu là do tăng khuyến mại, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ bán hàng. Đây thường được xem là "chi phí cho tương lai", giúp Vinamilk tăng doanh thu cũng như chiếm lĩnh thêm thị phần, ở cả phân khúc cũ lần phân khúc mới, sản phẩm cũ lẫn sản phẩm mới.

Tính đến hết ngày 30/9/2018, Vinamilk vẫn tiếp tục chiến lược không phát triển dựa vào nợ vay với tổng nợ vay chỉ vỏn vẹn 1.202 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu lên đến 25.950 tỷ đồng. 

9 tháng qua, Vinamilk cũng đầu tư khá mạnh vào tài sản cố định, khiến khoản mục này tăng từ 18.917 tỷ đồng (tính theo nguyên giá) lên 20.784 tỷ đồng, tương đương mức tăng 1.867 tỷ đồng.

Tin mới lên