Tài chính

Sữa nội lao đao, vì sao?

(VNF) - Nhu cầu tiêu thụ sữa lần đầu tiên giảm trong vòng 10 năm qua, bất chấp sức tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại Việt Nam hiện đang thấp hơn nhiều các nước trong khu vực và trên thế giới.

Sữa nội lao đao, vì sao?

Sữa nội lao đao vì nhu cầu bất ngờ suy yếu

“Ông hoàng” ngành sữa Vinamilk mới đây đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2018 không mấy lạc quan. Mặc dù doanh thu thuần vẫn tăng 2,6%, đạt 13.700 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng giảm tới 8,2% còn 2.680 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu tăng 1,7% trong khi lợi nhuận giảm 8,3%.

Mục tiêu doanh thu tăng 9%, lợi nhuận tăng 4,6% trong năm 2018 ngày càng khó đối với Vinamilk.

Không chỉ Vinamilk, “ông lớn” sữa đậu nành Vinasoy cũng đang gặp khó khăn nhất định. Doanh thu sữa đậu nành Vinasoy 6 tháng đầu năm 2018 giảm 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 1.753 tỷ đồng.

Đối với Mộc Châu Milk, 6 tháng đầu năm, doanh thu từ sữa của doanh nghiệp này giảm 1% dù riêng quý II phục hồi 2%. Chi phí bán hàng gia tăng nhưng bù lại, giá thu mua sữa giảm khiến lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm nay của Mộc Châu Milk chỉ giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng Nutifood, nhờ chiến lược tập trung vào các sản phẩm riêng biệt ở mảng sữa bột với giá bán lẻ thấp hơn 10 – 15% Vinamilk, thị phần từ mức chỉ 10% trong năm 2014 đã tăng lên khoảng 15% trong năm 2017. Tuy vậy, đánh đổi cho chiến lược giành thị phần này là biên lợi nhuận thấp.

Nguyên nhân quan trọng nhất khiến các doanh nghiệp sữa nội lao đao là nhu cầu sữa trong nước bất ngờ yếu đi rõ rệt. Theo thống kê của Nielsen, nhu cầu sữa toàn quốc đã giảm tới 6% trong nửa đầu năm. Điều này thậm chí còn gây bất ngờ cho ban lãnh đạo Vinamilk bởi đây là lần đầu tiên nhu cầu tiêu thụ sữa giảm trong 10 năm qua.

Cần nói thêm, sức tiêu thụ sữa bình quân tại Việt Nam hiện vẫn đang thấp hơn nhiều các nước trong khu vực và trên thế giới. Tại Thái Lan, một hộ gia đình bình thường ở khu vực thành thị uống bình quân 13 lít sữa, trong khi con số này ở Việt Nam chỉ là 7 lít.

Theo ban lãnh đạo Vinamilk, tỷ lệ sinh thấp dần là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu thụ sữa bột thấp hơn.

Nhu cầu ngành sữa suy yếu kéo theo cạnh tranh tăng lên. Các doanh nghiệp sữa nội không chỉ phải đối đầu với sữa ngoại, mà còn phải so kè từng chút một với nhau.

Trong khi Nutifood duy trì chiến lược cạnh tranh về giá thì Vinamilk, dù đang gặp khó khăn nhất định, nhưng vẫn kiên trì với mục tiêu tăng mỗi năm 1% thị phần. Các doanh nghiệp khác như Mộc Châu Milk, TH Milk, IDP chắc chắn cũng không thể ngồi yên. Nếu nhu cầu sữa không tăng trở lại, biên lợi nhuận toàn ngành chắc chắn sẽ giảm đáng kể trong thời gian sắp tới.

Cạnh tranh gay gắt nhất sẽ diễn ra ở kênh phân phối. Vinamilk hiện đang chiếm lĩnh kênh bán lẻ truyền thống (đem về 85% doanh thu nội địa) nhưng ở kênh phi truyền thống (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên biệt, thương mại điện tử), doanh nghiệp này không có lợi thế áp đảo. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ hơn còn tiềm lực tài chính.

Theo thống kê từ Kantar Worldpanel, trong quý II/2018, doanh thu kênh bán lẻ truyền thống đã giảm 2%-8%. Trái ngược lại tăng 43% trong phân khúc cửa hàng tiện lợi, tăng 20% tại phân khúc cửa hàng chuyên biệt và tăng 160% qua giao dịch trực tuyến.

Các doanh nghiệp sữa nội vẫn đang cố khai mở thêm nhu cầu sữa trong nước, không chỉ bằng quảng cáo, tiếp thị mà còn bằng việc liên tục ra mắt các sản phẩm sữa mới như các loại sữa hạt (óc chó, hạnh nhân), sữa organic hay mới đây là sữa A2.

Trong khi đó, kênh online dường như vẫn chưa phải là loại hình phân phối được các doanh nghiệp sữa thực sự chú ý đến. Số ít doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở chỗ xây dựng website bán hàng online riêng biệt chứ chưa có sự liên kết với các kênh bán hàng online đang thống trị thị trường. Rất ít người đặt mua online duy nhất mặt hàng sữa, mà thường sẽ mua một loạt mặt hàng, trong đó có sữa.

Dung lượng thị trường trong nước có thể vẫn còn ngách để các doanh nghiệp nhỏ hơn phát triển, nhưng với Vinamilk, dường như chỉ còn duy nhất con đường “xuất ngoại”. Ngoài thị trường Campuchia đã hoàn tất giai đoạn xâm nhập, công ty này đang trong quá trình thành lập các công ty liên doanh tại Myanmar và Indonesia. Trước mắt, các liên doanh trên sẽ tập trung sản xuất mặt hàng sữa chua.

Sau Myanmar và Indonesia, Vinamilk sẽ tiếp tục tấn công các thị trường ở ASEAN như Philippines, Thái Lan, Malaysia… và sẽ tiếp cận thị trường Trung Quốc khi Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết.

Tin mới lên