Tiêu điểm

Sửa Luật Phòng chống tham nhũng: Đảm bảo củi to, củi ướt đều cháy!

(VNF) - Ngày mai (21/5), kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa 14 khai mạc. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến và có thể thông qua một số dự án luật quan trọng, trong đó có Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Sửa Luật Phòng chống tham nhũng: Đảm bảo củi to, củi ướt đều cháy!

Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi)

Đại biểu Quốc hội: Đảm bảo củi to, củi ướt đều cháy

Tại kỳ họp lần này, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến về một dự luật đang thu hút sự quan tâm của toàn Đảng toàn dân - Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đến trước thời điểm khai mạc phiên họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận. 

Trước đó, ngày 24/11/2017, tại cuộc họp báo sau phiên bế mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ phải kéo dài ra 3 kỳ họp do có nhiều vấn đề khó, cần được trao đổi kỹ hơn nữa như kê khai tài sản, kiểm soát tài sản bất minh, thu hồi tài sản tham nhũng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lấy phiếu thăm dò và 71,5% đại biểu Quốc hội đồng tình thảo luận dự án Luật phòng chống tha nhũng trong 3 kỳ họp. 

Như vậy tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14 khai mạc ngày mai (21/5) mới là kỳ thứ 2 mà các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Tại kỳ họp trước đó, thảo luận về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Chiến (đoàn Hà Nội) cho rằng toàn Đảng, toàn dân đều xác định tham nhũng là quốc nạn, là giặc nội xâm cần phải chống một cách triệt để nên chưa bao giờ nóng như giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Chiến cho rằng, 10 năm thi hành Luật phòng chống tham nhũng hiện hành, giống như xây lò nhưng “củi” to, “củi” ướt chưa cháy được. Theo đại biểu Nguyễn Văn Chiến, việc sửa luật lần này phải làm sao để tất cả các loại củi đều phải cháy.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến cho rằng sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng làm sao để củi to, củi ướt đều cháy

Một vấn đề được dư luận quan tâm trong Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là chưa thống nhất được quy định xử lý đối với tài sản không giải trình được, hoặc giải trình không hợp lý về nguồn gốc hợp pháp. Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) dù đã bổ sung quy định, với những trường hợp không giải trình được phần tài sản tăng thêm sau kê khai, sẽ thực hiện truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất lên đến 45%. Tuy nhiên, quy định mới này tiếp tục thu hút nhiều ý kiến tranh luận. Nhiều luật sư cho rằng, việc đánh thuế 45% đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc là không hợp lý bởi tài sản không chứng minh được tính hợp pháp thì sẽ không có cơ sở để xác định mức thuế.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cho rằng mức thuế 45% được đưa ra là không có căn cứ...TS. Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội bày tỏ băn khoan về mức thuế suất 45% này. 

>>> Đánh thuế 45% tài sản 'bất minh': Khoác áo 'hợp pháp' cho tài sản tham nhũng?

Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14

Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành ra 3 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn.

Sau phát biểu mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào sáng mai (21/5), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 và Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016; Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Tại kỳ họp lần này,  Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến và có thể thông qua một số dự án luật quan trọng như: Luật CAND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Cảnh sát biển; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật Cạnh tranh (sửa đổi)… Trong đó có một số luật sẽ được thông qua.

Kỳ họp thứ 5 của QH khóa 14 dự kiến sẽ kéo dài đến hết ngày 15/6/2018.

>>> Vụ trang trại em trai Bí thư TP Thanh Hóa: Yêu cầu tháo dỡ, dừng kinh doanh

Tin mới lên