Ngân hàng

SSI: 'Công cụ tiền tệ đang phải xoay xở trong một không gian hẹp'

(VNF) - Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, cần thời gian để việc giảm lãi suất điều hành lan tỏa đến mặt bằng lãi suất chung, bởi lãi suất điều hành chỉ tác động đến vốn liên ngân hàng - nguồn vốn chỉ đáp ứng nhu cầu ngắn hạn, không dùng để cấp tín dụng và bị hạn chế huy động. Ở bình diện lớn hơn, SSI nhấn mạnh công cụ tiền tệ đang phải xoay sở trong một không gian hẹp khi vừa phải ổn định vĩ mô, vừa hỗ trợ tăng trưởng nên chỉ nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước là không đủ.

SSI: 'Công cụ tiền tệ đang phải xoay xở trong một không gian hẹp'

SSI: 'Công cụ tiền tệ đang phải xoay xở trong một không gian hẹp'

Ngày 16/9, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức giảm lãi suất điều hành. Cụ thể: giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.

Theo Báo cáo cập nhật nhanh: Nguyên nhân và tác động của việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành vừa công bố bởi bộ phân phân tích - Công ty Chứng khoán SSI, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ trực tiếp thông qua các chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) …, không phải qua trung gian là lãi suất điều hành như các nước khác nên tác động của việc điều chỉnh lãi suất không quá lớn.

SSI đánh giá trong ngắn hạn, mặt bằng lãi suất giao dịch trên liên ngân hàng và lợi tức trái phiếu chính phủ các kỳ hạn ngắn trên thị trường thứ cấp là hai đối tượng chịu tác động mạnh nhất từ việc điều chỉnh lãi suất lần này. Trong ngày nhận được thông tin giảm lãi suất điều hành, lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng đã giảm mạnh xuống 2,78%/năm (giảm 0,2 điểm%), lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 1-3 năm giảm 0,06-0,12 điểm% xuống quanh mức 2,6%/năm.

Xét dài hơn, các lãi suất trên thị trường liên ngân hàng được SSI dự báo sẽ dao động trong khoảng từ lãi suất tín phiếu đến lãi suất thị trường mở (từ 2,75%/năm đến 4,5%/năm).

SSI cho rằng trong điều kiện lý tưởng, giá vốn rẻ hơn trên thị trường liên ngân hàng (và môi trường thanh khoản được kỳ vọng sẽ được giữ dồi dào) sẽ tạo cơ sở để các ngân hàng thương mại (NHTM) điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 (tức là thị trường giữa các NHTM với các tổ chức kinh tế và cá nhân).

"Tuy vậy, vốn liên ngân hàng chỉ đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn, không dùng để cấp tín dụng và bị hạn chế bởi tỷ lệ 20% so với vốn huy động tổ chức kinh tế và dân cư nên tính liên thông từ thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) xuống thị trường 1 cần một thời gian dài", công ty chứng khoán này nhấn mạnh.

Thời gian gần đây, các NHTM yếu thanh khoản đã đẩy lãi suất huy động lên khá cao, nới rộng khoảng cách với lãi suất huy động của nhóm các NHTM quốc doanh và NHTM tư nhân lớn. Tuy nhiên, SSI đánh giá với tỷ trọng trên 70% thị phần huy động và cho vay, nhóm NHTM quốc doanh và các NHTM tư nhân lớn mới đóng vai trò quyết định trong xu hướng lãi suất chung của thị trường 1.

Trong bối cảnh có nhiều yếu tố thuận lợi, SSI cho rằng các biện pháp kỹ thuật của Ngân hàng Nhà nước nếu có được sự đồng lòng của các NHTM lớn thì mục tiêu giảm lãi suất vẫn có thể đạt được mà chưa cần phải dùng đến biện pháp nới lỏng, bơm tiền vào nền kinh tế.

"Nhìn ở bình diện lớn hơn, để thúc đẩy kinh tế trong giai đoạn hiện nay thì chỉ nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước sẽ không đủ. Công cụ tiền tệ đang phải xoay sở trong một không gian hẹp khi vừa phải ổn định vĩ mô, vừa hỗ trợ tăng trưởng. Trong bối cảnh thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, phát huy tối đa nội lực sẽ vừa tạo được tăng trưởng, vừa tránh được các biến động bất lợi từ bên ngoài", SSI nhìn nhận.

Theo đó, công ty chứng khoán này nhấn mạnh tới 2 giải pháp hàng đầu là giải ngân đầu tư công và thực thi bảo hộ sản xuất trong nước.

Tin mới lên