Nhân vật

Sếp lớn bất động sản: Ấn tượng nhiều gương mặt tuổi Hợi

(VNF) - Đầu năm Kỷ Hợi 2019, nhìn lại trong ngành bất động sản, không ít sếp lớn tuổi Hợi đã “công thành, danh toại”. Những lãnh đạo tuổi Hợi trong ngành này được đánh giá là nhiều nhất trong tất cả các lãnh đạo ngân hàng, tài chính, công nghệ thông tin…

Sếp lớn bất động sản: Ấn tượng nhiều gương mặt tuổi Hợi

Điểm mặt 5 sếp lớn bất động sản tuổi Hợi

Đại gia Vũ Văn Tiền – Ông chủ Geleximco

Chủ tịch của Geleximco Vũ Văn Tiền (biệt danh Tiền “còi”) sinh ngày 10/5/1959, trong một gia đình thuần nông, quê gốc tại Tiền Hải – Thái Bình.

Từ năm 1993 đến nay, ông giữ chức Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) - một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam, đầu tư vào một loạt các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau, từ ngân hàng – tài chính, bất động sản – hạ tầng cho đến xi măng, nhiệt điện, giấy, thương mại, cảng biển, công nghệ...

Sau 25 năm, vốn của Geleximco đã tăng tới 2.400 lần, đạt 6.000 tỷ đồng, với đội ngũ cán bộ, công nhân viên lên tới 6.000 người, sở hữu 30 công ty con và công ty liên kết hoạt động trên địa bàn cả nước.

Doanh nhân tuổi Hợi Vũ Văn Tiền.

Trong lĩnh vực địa ốc, đại gia “Tiền còi” nổi lên như một tỷ phú đô la với hàng loạt dự án đất động sản đình đám như: khu đô thị Geleximco – Lê Trọng Tấn, dự án Thành phố giao lưu Geleximco số 234 đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội), khu đô thị Đồng Trúc Ngọc Liệp tại Quốc Oai, khu đô thị Phú Mãn, khu đô thị sinh thái Đảo Vạn Cảnh tại Hạ Long…

Trong mảng công nghiệp, Geleximco được biết đến với các điểm sáng như: Nhà máy Giấy và bột giấy An Hòa, Nhà máy Xi măng Thăng Long, Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long, Liên doanh Honda, Acecook…

Bên cạnh mảng bất động sản và công nghiệp, ông chủ Geleximco còn là cổ đông sáng lập, sở hữu và đồng sở hữu của một loạt tổ chức tài chính như Ngân hàng TMCP An Bình, Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình, Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư chứng khoán An Bình, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư tài chính An Bình và Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không.

Dù là doanh nhân giàu có song ông Vũ Văn Tiền lại được đánh giá là có cuộc sống giản dị với triết lý “Hãy sống giản dị, cởi mở, chân thành và có văn hóa với mọi người xung quanh”.

Đại gia bất động sản kín tiếng Tô Như Toàn

Ông Tô Như Toàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Văn Phú - Invest. 

Ông Tô Như Toàn sinh năm 1971, là một kiến trúc sư và Tiến sĩ Quản trị kinh doanh. Là một đại gia bất động sản kín tiếng tại Thủ đô, vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Văn Phú - Invest (VPI) đang sở hữu 25% cổ phần VPI và nắm hơn 40% tại THG Holdings. Công ty THG Holdings hiện là cổ đông lớn sở hữu 23,44% vốn điều lệ của VPI.

Với việc sở hữu 40% số cổ phần tại THG Holdings (tức ông Toàn gián tiếp sở hữu 37,5 triệu cổ phiếu VPI mà công ty này nắm giữ), giá trị tài sản của ông Toàn sẽ phải cộng thêm 537 tỷ đồng.

Như vậy, tổng giá tài sản ước tính của ông Tô Như Toàn đạt 1.969 tỷ đồng và có thể tăng lên vị trí thứ 22 trong bảng xếp hạng người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Có thể thấy, việc đưa VPI lên sàn niêm yết không những đưa ông Toàn lọt danh sách đại gia “nghìn tỷ”, mà với giá trị tài sản trên sàn chứng khoán, ông Toàn còn vượt qua nhiều tên tuổi lừng danh thị trường chứng khoán như “sếp lớn” Kido Trần Lệ Nguyên, Chủ tịch doanh nghiệp vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) Cao Thị Ngọc Dung hay sếp Kinh Bắc (KBC) Đặng Thành Tâm.

Văn Phú Invest được biết đến là là chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản tên tuổi nhưng cũng không ít tai tiếng, kiện cáo của cư dân. Điển hình như dự án Home City với nhiều quan điểm bất đồng giữa chủ đầu tư và cư dân ngày mới đi vào bàn giao tuy nhiên, đến nay mọi việc đã được giải quyết. Còn dự án đầu tay ghi dấu ấn với thị trường và làm nên tên tuổi của Văn Phú Invest là khu đô thị mới Văn Phú tại Hà Đông.

Được hình thành và phát triển từ năm 2003 với tiền thân là Chi nhánh tại Hà Nội của Công ty Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Quảng Ninh, đến nay Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest đã trở thành một thương hiệu có nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực tư vấn đầu tư, kinh doanh, xây dựng và phát triển bất động sản.

Sếp Coteccons Nguyễn Bá Dương

Ông Nguyễn Bá Dương sinh năm 1959, nguyên quán Nam Định, hiện đang sinh sống và làm việc tại quận Bình Thạnh, TP. HCM. Ông tốt nghiệp Đại học Xây dựng Kiev - Ucraina năm 1984 với tấm bằng Kiến trúc sư xây dựng.

Trở về nước sau khi tốt nghiệp, ông Dương được nhận vào làm việc tại Xí nghiệp Thiết kế số 1, Viện Xây dựng, Bộ Công nghiệp; phòng Xây dựng cơ bản, Công ty Giày Phú Lâm, một công ty cũng thuộc quản lý của Bộ Công nghiệp.

Ông gắn bó với Bộ Công nghiệp đến năm 2002 sau khi có 8 năm làm Phó giám đốc Công ty Xây dựng Công nghiệp nhẹ Số 2. Từ năm 2002-2004, ông làm Phó giám đốc Công ty kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng (Cotec), một công ty thuộc Bộ Xây dựng và là tiền thân của Coteccons ngày nay.

“Kiến trúc sư trưởng” của Coteccons Nguyễn Bá Dương.

Ông Dương được đánh giá là “kiến trúc sư trưởng” của Coteccons. Năm 2004 cũng đánh dấu một sự kiện quan trọng với Coteccons và sự nghiệp của ông Nguyễn Bá Dương, đó là Coteccons chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần hóa, ông Dương chính thức ngồi vào vị trí Chủ tịch HĐQT cho đến nay. Sau cổ phần hóa, Coteccons có số vốn điều lệ chỉ là 15,2 tỷ đồng, sau nhiều lần tăng vốn, công ty đã có số vốn điều lệ 770 tỷ đồng.

Nhờ gây dựng thành công doanh nghiệp trẻ Coteccons, ông Nguyễn Bá Dương hiện thuộc top 50 người giàu nhất thị trường chứng khoán với số lượng cổ phiếu CTD nắm giữ hơn 3,83 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị thị trường là 600 tỷ đồng, tính đến ngày 30/6/2018.

Là cổ đông cá nhân lớn nhất ở Coteccons, song ông Dương vẫn tự nhận mình chỉ là “người vừa làm chủ vừa làm thuê”.

Ngoài chức danh Chủ tịch Coteccons, doanh nhân Nguyễn Bá Dương hiện đang là Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons từ năm 2004 đến nay và Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Uy Nam (Unicons) từ năm 2016 đến nay.

Đặc biệt, ông Dương cũng đang là Thành viên HĐQT Vinamilk. Điều đáng chú ý hơn nữa, quá trình công tác của ông Dương không hề liên quan đến ngành sữa nhưng ông lại được Đại hội cổ đông Vinamilk thông qua với tỷ lệ biểu quyết rất cao.

Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO

Ông Đoàn Văn Bình là một đại gia bất động sản khá kín tiếng tại Hà Nội. Vị doanh nhân sinh năm 1971, hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn CEO.

Ông Bình là là người sáng lập, định hướng, đưa ra chiến lược và mục tiêu phát triển cho CEO Group - Một tập đoàn kinh tế tư nhân với 8 công ty thành viên.

Trước khi làm ông chủ CEO, ông Bình từng giữ nhiều chức vụ như: Giám đốc xúc tiến dự án TODA Corporation (Nhật Bản); Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại, Xây dựng và Công nghệ Việt Nam (Viteco); Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần xây dựng CEO thuộc CEO Group; Chủ tịch HĐQT Trường cao đẳng Đại Việt; Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần phát triển dịch vụ C.E.O thuộc CEO Group…

Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO.

CEO Group được thành lập vào ngày 26/10/2001, hoạt động chính trong 5 lĩnh vực kinh doanh gồm: bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng, xây dựng, du lịch và quản lý khách sạn, phát triển nguồn nhân lực.

Chủ tịch HĐQT CEO cho biết về kế hoạch phát triển chiến lược đến năm 2021, cột mốc đánh dấu 20 năm phát triển, tập đoàn đặt mục tiêu nâng tổng tài sản tiệm cận mốc 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, để xử lý nhu cầu vốn cho mục tiêu thách thức này, lãnh đạo tập đoàn cho biết sẽ không sử dụng nhiều vốn vay, mà chủ yếu sử dụng nguồn vốn từ tiền bán hàng để huy động nguồn vốn xã hội hóa.

Tổng giá tài sản ước tính của ông Đoàn Văn Bình là 534,6 tỷ đồng và đứng ở vị trí thứ 79 trong bảng xếp hạng người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến - “bà trùm” bất động sản công nghiệp

Nhắc đến Tập đoàn Tân Tạo (ITA), không ít người nghĩ đến thời kỳ hoàng kim của chị em nhà họ Đặng khi sáng lập và điều hành doanh nghiệp trở thành đơn vị phát triển bất động sản công nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Đặng Thị Hoàng Yến (sinh năm 1959) tại Hải Phòng, là người lập ra ITA và giữ chức Chủ tịch HĐQT kể từ năm 1996 tới nay.

Đáng chú ý, cả 4 anh chị em nhà bà Đặng Thị Hoàng Yến đều từng sở hữu, điều hành nhiều doanh nghiệp quy mô lớn. Bà Yến từng 3 năm liền có mặt trong danh sách 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam (2008-2010). Trong khi đó, ông Đặng Thành Tâm,Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư Kinh Bắc (KBC) từng là người giàu nhất trong danh sách năm 2007.

ITA có quy mô với hàng chục công ty con, công ty liên kết hoạt động trong vực như phát triển hạ tầng, xây dựng, năng lượng, y tế, giáo dục và truyền thông với rất nhiều dự án hàng tỷ USD.

Nữ doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến từng có khoảng 1 năm là Đại biểu Quốc hội của tỉnh Long An. Cụ thể, tháng 5/2011, bà đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Long An giới thiệu ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 13, đồng thời là Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Quốc hội.

Tuy nhiên, một năm sau đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Long An, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đề nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội với bà Đặng Thị Hoàng Yến, do không trung thực khi khai hồ sơ ứng cử.Bà không kê khai ngày vào Đảng, không khai trong hồ sơ chồng là Jimmy Trần (đang có lệnh truy nã).

Tháng 5/2012, bà Yến viết đơn xin từ nhiệm trước khi Quốc hội họp bàn xem xét bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội. Trong đơn, bà cho hay đã “mệt mỏi” vì “chịu nhiều sức ép dư luận”.

Ngày 26/5/2012, với hơn 90% đại biểu tán thành, Quốc hội ra Nghị quyết bãi nhiệm tư cách đại biểu với bà Đặng Thị Hoàng Yến

Sau biến cố ở chính trường, doanh nghiệp mà bà sáng lập cũng ảnh hưởng không ít. Năm 2012, riêng tại ITA, doanh nghiệp này đạt doanh thu thuần 36,2 tỷ đồng, giảm hơn 90% so với mức 371 tỷ đồng của năm 2011. Lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt 33,29 tỷ đồng, thua xa mức 74 tỷ đồng của năm trước.

Bước sang năm 2013, tình hình khó khăn còn nghiêm trọng hơn với tập đoàn này và các doanh nghiệp bất động sản nói chung. Cho tới cuối quý III/2016, Tập đoàn Tân Tạo của bà Hoàng Yến vẫn không có nhiều chuyển tích tích cực và bị yêu cầu thu hồi nhiều đại dự án do triển khai chậm so với giấy phép: Nhiệt điện Kiên Lương 7 tỷ USD, Cảng nước sâu Nam Du tại Kiên Giang và Vina Universal Padarise Sơn Tịnh tại Quảng Ngãi.

Tin mới lên