Thị trường

Sếp FPT: 'Điểm yếu nhất của Việt Nam là nói thì hay nhưng triển khai thì rất dở'

(VNF) - Theo ông Bùi Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, thách thức lớn nhất và cũng là một trong những điểm yếu nhất của Việt Nam chính là việc nói thì hay nhưng triển khai thì rất dở. Điều này không chỉ xảy ra ở lĩnh vực kinh tế số mà còn ở nhiều lĩnh vực khác của Việt Nam.

Sếp FPT: 'Điểm yếu nhất của Việt Nam là nói thì hay nhưng triển khai thì rất dở'

Ông Bùi Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT (Ảnh: Giang Huy)

Trả lời câu hỏi "Thách thức của Việt Nam trong sự phát triển kinh tế số là gì?" tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân diễn ra vào sáng 2/5, ông Bùi Quang Ngọc cho rằng khoảng cách giữa hoạch định chính sách và việc đi vào triển khai chính là vấn đề. Điểm yếu nhất của Việt Nam là nói thì hay nhưng triển khai thì rất dở. Điều này cần phải được khắc phục không chỉ ở kinh tế số mà cần cho tất cả các hoạt động khác của nền kinh tế.

"Chính phủ đã có những chương trình, những giải pháp phát triển kinh tế số từ hai thập kỷ trước nhưng thực tế những chuyển biến không tương đồng với kỳ vọng ban đầu. Những chương trình hoành tráng nhưng đi đến triển khai thực tế, lại không mang lại nhiều hiệu quả", ông Ngọc nói.

Lấy ví dụ về sự phát triển của kinh tế số tại khu vực công, ông Ngọc cho rằng đây là một lĩnh vực quan trọng để tạo cầu cho sự phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, các chương trình xây dựng kinh tế số như Chính phủ điện tử, Y tế thông minh, Giao thông thông minh... lại được triển khai "rất nửa vời".

Cũng theo Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, bên cạnh công tác triển khai, việc xây dựng hành lang pháp lý cũng là vấn đề cần khắc phục. Kinh tế số tạo ra những lĩnh vực kinh doanh mới, việc pháp lý hóa những lĩnh vực mới cần được thực hiện đồng bộ, liên quan đến mục tiêu quốc gia về kinh tế số.

Còn theo TS. Brian Hull, Tổng giám đốc ABB Việt Nam, để phát triển nền kinh tế số thì Việt Nam cần thúc đẩy kinh tế số ở mọi thành phần. Lấy ví dụ về sự phát triển tương tự tại Anh, TS Brian Hull cho rằng Việt Nam nên tổ chức những cuộc thi hàng năm để tìm ra những nhà sản xuất tốt nhất, công nghệ, nhân lực giỏi nhất. Đây là cách để mọi người hiểu rằng công nghệ số đang hiện diện, những kỹ sư trẻ có cơ hội tốt để nâng cao kinh nghiệm trong sản xuất.

Ông Brian Hull cũng cho rằng, Việt Nam cần tìm ra giải pháp thúc đẩy việc áp dụng công nghệ ở cả bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi công nghệ mới xuất hiện, những doanh nghiệp này sẽ khó có đủ tiềm lực để tìm hiểu và triển khai. Nếu Chính phủ hay những doanh nghiệp lớn có thể xây dựng những cơ chế tư vấn, hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp nhỏ tìm hiểu, đưa ra những lời khuyên miễn phí để công nghệ đi vào sản xuất.

Điểm cuối cùng theo Tổng giám đốc ABB Việt Nam là sự đóng góp của Chính phủ trong sự phát triển của kinh tế số. Chính phủ có thể dẫn dắt, làm gương trong hoạt động này. Những sáng kiến, dự án lớn được đưa ra cần đảm bảo Chính phủ sử dụng những công nghệ, những hạ tầng hiện đại nhất.

Kinh tế số ngày càng được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây, được định nghĩa là một phần của nền kinh tế, trong đó có các dịch vụ và sản phẩm dựa trên công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông. Khái niệm này phủ rộng trên nhiều lĩnh vực từ giao dịch điện tử, nhà máy thông minh, xây dựng hạ tầng số, phát triển nguồn dữ liệu mở...

Tại Việt Nam, nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore) chỉ ra rằng kinh tế số của nước ta đạt 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Úc), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.

Tin mới lên