Tài chính quốc tế

Sau Mỹ, Đức, tới lượt tập đoàn Nhật tuyên bố ngừng giao dịch với Huawei

(VNF) - Tập đoàn điện tử hàng đầu Nhật Bản Panasonic ngày hôm nay (23/5) thông báo "dừng tất cả các giao dịch kinh doanh với Huawei và 68 công ty của tập đoàn này hiện đang bị chính phủ Mỹ áp đặt lệnh cấm".

Sau Mỹ, Đức, tới lượt tập đoàn Nhật tuyên bố ngừng giao dịch với Huawei

Huawei có thể đang là con "át chủ bài" trong cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Người phát ngôn của Panasonic Joe Flynn nêu rõ giao dịch của hãng với Huawei bao gồm cung cấp "linh kiện điện tử" tuy nhiên ông từ chối cho biết những loại linh kiện nào bị cấm chuyển giao cho Huawei.

Trên thực tế, Panasonic và một số công ty Nhật Bản cung cấp linh kiện điện thoại sản xuất theo công nghệ Mỹ cho Huawei. Đây là những mặt hàng nằm trong diện cấm chuyển giao theo lệnh trừng phạt tuần trước của Bộ Thương mại Mỹ.

Panasonic cho biết sẽ tiếp tục đánh giá xem liệu các sản phẩm khác của tập đoàn này có bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ hay không. 

Trước đó, Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết các tập đoàn sản xuất chíp và thiết bị vi tính hàng đầu của Mỹ gồm Google, Intel, Qualcomm, Xilin và Broadcom ngày 19/5 đã ngừng hợp tác và ngừng cung cấp các linh kiện, phần mềm quan trọng cho Huawei.

Sau đó một ngày, nhà sản xuất chip của Đức Infineon Technologies cũng đã dừng xuất xưởng sản phẩm của mình cho Huawei. Infineon vốn là đối tác cung cấp các bộ vi điều khiển và các mạch tích hợp quản lý năng lượng cho Huawei.

Các động thái này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông mà Bộ Thương mại coi là rủi ro với an ninh quốc gia.

Bộ thương mại Mỹ ngày 15/5 đã đưa Huawei và khoảng 68 chi nhánh vào danh sách những bên bị cấm mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ, nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ.

Nikkei dẫn lời một vài luật sư cho biết các công ty nước ngoài sử dụng một lượng nhất định công nghệ Mỹ trong sản phẩm bán cho Huawei cũng phải chịu các hạn chế tương tự. Nếu không tuân thủ điều này, họ sẽ phải chịu các hậu quả pháp lý từ phía Mỹ.

Hãng ST Microelectronics, một nhà sản xuất chip quan trọng khác của châu Âu, đang chuẩn bị tổ chức một cuộc họp trong tuần này để thảo luận về khả năng có tiếp tục cung cấp sản phẩm cho Huawei nữa hay không.

Hãng gia công chip quan trọng của Huawei tại châu Á, TSMC cũng có động thái tương tự.

Ở động thái liên quan mới nhất, hãng tin CNBC ngày 22/5 đưa tin CNEX, một công ty chuyên về chip điện tử tại bang California (Mỹ), mới đây đã đâm đơn kiện lên tòa án ở Texas, cáo buộc Tập đoàn Huawei và một trong các phó chủ tịch của tập đoàn này đánh cắp bí mật thương mại.

Trong đơn kiện, CNEX tuyên bố Huawei đã tìm cách đánh cắp công nghệ lưu trữ ổ cứng máy tính SSD của công ty này trong nhiều năm. Tham gia âm mưu này có sự tiếp tay của một trường đại học Trung Quốc, báo Wall Street Journal dẫn lại nội dung đơn kiện. Trong khi đó, phó chủ tịch Huawei, ông Eric Xu, bị cáo buộc là nhân vật chịu trách nhiệm giám sát âm mưu này.

Các cáo buộc được đưa ra trong vụ kiện dự kiến sẽ được đem ra xét xử vào ngày 3/6 tới tại tòa án liên bang ở Texas.

Một số nhà quan sát cho rằng Huawei có thể đang là con "át chủ bài" trong cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Xem thêm >> Ukraine kêu gọi Mỹ tăng cường trừng phạt Nga, Điện Kremlin nói ‘chẳng có gì mới’

Tin mới lên