Tài chính tiêu dùng

Ra mắt ví điện tử tại Myanmar, Viettel đặt mục tiêu 'cứ 10 phút di chuyển trong thành phố là tìm thấy 1 đại lý'

(VNF) - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) cho biết vừa qua tại Yangon-Myanmar, Mytel (thương hiệu của Viettel tại Myanmar) đã khai trương dịch vụ ví điện tử mang tên MytelPay. Dịch vụ này chính thức cung cấp từ tháng 6/2019.

Theo đại diện Viettel, MytelPay được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển nền kinh tế - xã hội Myanmar bằng cách tạo ra hơn 20.000 việc làm cũng như cơ hội giúp đất nước này phát triển một nền tài chính, thương mại điện tử và xa hơn nữa là một xã hội số không tiền mặt. 

Chiến lược của MytelPay là tận dụng luồng tiền và phát triển tập khách hàng hạt nhân là điểm bán hàng của Mytel. Công ty đặt mục tiêu chỉ với 10 phút di chuyển trong khu vực thành thị và không đầy 30 phút đối với khu vực nông thôn là khách hàng đã có thể tìm thấy đại lý của MytelPay.

Cũng theo đại diện Viettel, điểm khác biệt lớn nhất của MytelPay với các dịch vụ ví điện tử khác tại Myanmar đó là tính bảo mật tối ưu hơn. Cụ thể, trên MytelPay, Mytel đã thiết kế xác thực 2 bước cấp ngân hàng cho tất cả các giao dịch của mình. Cả người chuyển tiền và người nhận tiền sẽ phải xác thực giao dịch thông qua mật mã bí mật do chính hệ thống của MytelPay gửi đến số điện thoại của họ.

Trong khi đó, các dịch vụ ví điện tử  khác tại Myanmar vẫn đang sử dụng mã xác thực do chính người dùng tạo ra. Dịch vụ trên các loại ví điện tử này cũng không yêu cầu xác thực người nhận tiền thông qua số điện thoại của họ.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel Global cho biết: “Việc triển khai MytelPay nằm trong chiến lược toàn diện về chuyển đổi số của Tập đoàn Viettel. Tại tất cả các thị trường mà Viettel đang đầu tư, Viettel đã phát triển thành công hệ thống ví điện tử và chuyển tiền của mình”.

Nói về dịch vụ ví điện tử của Viettel, có thể kể đến ví điện tử eMoney của Công ty Metfone (Campuchia). Sau 3 tháng cung cấp, con số đại lý từ 1.000 đã lên đến 4.000 và vượt qua tổng số kênh của đối thủ Wing triển khai sau 6 năm.

Tại Đông Timor, dịch vụ ví điện tử Mosan của Công ty Telemor đã được Ngân hàng Trung ương Timor đánh giá là 1 trong 4 dấu ấn lớn của ngành ngân hàng nước này trong giai đoạn 2016-2018. Tại Burundi, dịch vụ ví điện tử Lumicash của Công ty Lumitel sau 3 năm cung cấp đã chiếm lĩnh ngôi vị số 1 về thị phần với doanh thu năm 2018 đạt 1,74 triệu USD, chiếm 2,3% tổng doanh thu dịch vụ của Lumitel.

Tin mới lên