Tiêu điểm

Quốc hội sẽ có nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hóa

(VNF) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước.

Quốc hội sẽ có nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hóa

Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 37. Ảnh VGP.

Sáng 9/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên họp sẽ xem xét, cho ý kiến về 12 dự án luật, trong đó có 4 dự án luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua và 8 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu; 2 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám, gồm Nghị quyết về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước và Nghị quyết về phê duyệt Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021- 2025.

Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021- 2025 là đề án lớn nhằm tích hợp tất cả những chính sách mà Đảng, Nhà nước đã ban hành với đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện theo nghị quyết, chủ trương của Quốc hội.

Cùng với đó, UBTVQH sẽ cho ý kiến về phân bổ sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2018; về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước; về Nghị định của Chính phủ quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan; các báo cáo thuộc lĩnh vực tư pháp, hoạt động kiểm toán và các báo cáo quan trọng khác; việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Tám của Quốc hội.

Như VietnamFinance đã đề cập, theo quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019 thực hiện thoái vốn tại 62 doanh nghiệp, tuy nhiên tính đến hết quý II/2019, chỉ mới có 9 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành thực hiện thoái vốn với giá trị 759 tỷ đồng, thu về 1.657 tỷ đồng.

Lũy kế từ năm 2017 đến hết quý II/2019, thoái vốn nhà nước tại 88 đơn vị với giá trị 4.549 tỷ đồng, thu về 8.765 tỷ đồng.

Đối với các doanh nghiệp ngoài quyết định số 1232/QĐ-TTg, lũy kế từ năm 2017 đến hết quý II/2019, cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco).

Còn đối với các tập đoàn, tổng công ty, DNNN theo đề án cơ cấu lại, tính đến hết quý II/2019 đã thoái vốn với tổng giá trị 1.333 tỷ đồng, thu về 2.174 tỷ đồng. Trong đó, có 2.002 tỷ đồng thu về từ việc Viettel thực hiện thoái 1.290 tỷ đồng tại Tổng công ty CP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam.

Kết quả công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Tin mới lên