Tiêu điểm

Quân đội sẽ 'vẫn làm kinh tế', nhưng có sắp xếp lại

(VNF) - Cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng, ông Võ Hồng Thắng, vừa chính thức lên tiếng về chủ đề đang làm nóng dư luận hiện nay là quân đội có nên làm kinh tế hay không.

Quân đội sẽ 'vẫn làm kinh tế', nhưng có sắp xếp lại

Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Kinh tế, Bộ Quốc phòng.

Trả lời phỏng vấn báo VnExpress, ông Võ Hồng Thắng nói chủ trương quân đội lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, không phải do lợi ích hoặc quân đội muốn làm thì làm. Đây là một trong ba nhiệm vụ được giao cho quân đội, là xây dựng đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất.

"Do là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước, Quân ủy Trung ương nên không ai có thể nói kết thúc, hay không thực hiện được. Hiện nay, chủ trương của Đảng, nhà nước, Quân ủy Trung ương vẫn xác định quân đội lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài", ông nói.

Về khái niệm "quân đội làm kinh tế", ông Thắng cho rằng "phải hiểu rõ rằng quân đội tham gia sản xuất, lao động, xây dựng kinh tế" vì trong lịch sử hình thành quân đội và các cuộc kháng chiến, "nhiệm vụ này được Đảng, nhân dân ghi nhận vì không những góp phần xây dựng quân đội mà còn kinh tế đất nước".

Thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, các doanh nghiệp quân đội đều hoạt động theo luật doanh nghiệp, nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Quốc phòng và thực hiện đóng thuế minh bạch, đầy đủ. Hằng năm, doanh nghiệp quân đội đóng góp cho ngân sách nhà nước tương đối lớn, như năm 2016 là trên 43.000 tỷ đồng, trong đó Viettel đứng đầu trong các doanh nghiệp của quốc gia.

Trả lời câu hỏi về việc liệu doanh nghiệp quân đội có được ưu ái hơn doanh nghiệp bên ngoài không, ông Thắng nói "doanh nghiệp quân đội có ưu thế hơn các doanh nghiệp khác là kỷ luật lao động, lòng tin của dân cao hơn". Còn về cạnh tranh, đầu tư sản xuất, giá trị các dịch vụ hàng hoá cung cấp ra thị trường, tuân thủ pháp luật thì đều như các doanh nghiệp khác, cạnh tranh bình đẳng.

Tuy nhiên , trong thời gian tới, các doanh nghiệp quốc phòng sẽ được sắp xếp lại, làm sao nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, hỗ trợ và không làm ảnh hưởng đến các nhiệm vụ khác.

Theo đó, những doanh nghiệp có nhiệm vụ quân sự quốc phòng thì nhà nước vẫn phải giữ 100% vốn. Những doanh nghiệp có chung ngành nghề thì sáp nhập tạo quy mô lớn hơn, tái cơ cấu lại để nâng sức cạnh tranh, bảo đảm sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Còn các doanh nghiệp khác như xây dựng, dịch vụ thương mại hoặc nhiệm vụ quân sự quốc phòng ít và không đáng kể thì thực hiện cổ phần hoá và thoái vốn. Những công ty làm ăn thua lỗ không có cổ phần hoá được thì thực hiện giải thể phá sản theo đúng quy định. Các doanh nghiệp đã sắp xếp thì hoạt động, cạnh tranh bình đẳng.

Bộ đội thường trực, ngoài huấn luyện thì tích cực tham gia tăng gia lao động sản xuất để cải thiện đời sống, khoanh bếp khoanh vườn, xây dựng doanh trại. Nuôi dưỡng bộ đội tốt là tăng sức khoẻ phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu.

Còn các cơ sở công lập đơn vị sự nghiệp có thu như bệnh viện, nhà trường, cơ sở nghiên cứu cũng phải phục vụ nhân dân, tăng nguồn thu để tái đầu tư cơ sở thiết bị nâng cao công nghệ phục vụ tốt hơn.

Tin mới lên