Tài chính

Phớt lờ khắc phục ô nhiễm, Bisuco bị tạm đình chỉ hoạt động

(VNF) - Mặc dù tỉnh đã tạm đình chỉ hoạt động, sau đó lại cho Công ty cổ phần Đường Bình Định (Bisuco) hoạt động thử nghiệm để khắc phục tồn tại về môi trường, Công ty vẫn chưa thực hiện yêu cầu của tỉnh, nên UBND tỉnh tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu Bisuco dừng hoạt động sản xuất vụ ép mới niên vụ 2017-208 từ ngày 23/3.

Phớt lờ khắc phục ô nhiễm, Bisuco bị tạm đình chỉ hoạt động

Nhà máy Đường Bình Định tiếp tục bị dừng hoạt động do ô nhiễm.

Trả lời báo chí sáng 19/3, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, mặc dù tỉnh đã tạm đình chỉ hoạt động, sau đó lại cho Công ty cổ phần Đường Bình Định (Bisuco) hoạt động thử nghiệm để khắc phục tồn tại về môi trường, Công ty vẫn chưa thực hiện yêu cầu của tỉnh, nên UBND tỉnh tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu Bisuco dừng hoạt động sản xuất vụ ép mới niên vụ 2017-2018 từ ngày 23/3 cho đến khi hoàn thành các nội dung về công tác bảo vệ môi trường còn tồn tại. 

UBND tỉnh giao UBND huyện Tây Sơn, Sở TN&MT tỉnh tiếp tục giám sát, kiểm tra chấp hành của Bisuco, báo cáo UBND tỉnh xem xét.

Trước đó, theo đại diện Sở TN&MT tỉnh Bình Định, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngày 5/2, đơn vị tiếp tục tiến hành kiểm tra đột xuất và lấy mẫu nước thải của nhà máy theo 2 cửa xả ra sông Côn. Kết quả cho thấy, hệ thống xử lý nước thải của Bisuco chưa hoạt động ổn định, nước thải theo 2 cửa xả ra sông Côn không đạt quy chuẩn cho phép. Sở TN&MT yêu cầu Công ty khắc phục các tồn tại về môi trường trước ngày 28/2/ 2018.

Trong đó, đặc biệt lưu ý nhà máy này không được xả nước thải chưa xử lý đảm bảo ra môi trường, phải hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải… Tuy nhiên, kết quả kiểm tra lại mới đây cho thấy Bisuco vẫn chưa khắc phục các vi phạm, tồn tại trên nên UBND tỉnh tiếp tục tạm đình chỉ hoạt động.

Bisuco có trụ sở tại xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, thành lập năm 1995 theo Quyết định số 387/QĐ-UB của UBND tỉnh Bình Định. Năm 2003, Công ty chuyển thành doanh nghiệp cổ phần với vốn điều lệ 34 tỷ đồng. Ở thời điểm hưng thịnh, Bisuco được quy hoạch vùng nguyên liệu tới 16.000ha trải dài từ Bình Định lên đến đông Gia Lai. 

Năm 2006, hơn 90% cổ phần Bisuco được Tập đoàn Anagar Juna (Ấn Độ) mua lại với giá 93 tỷ. Theo xác nhận từ một người từng làm việc nhiều năm cho Bisuco thì "thương vụ quá hời, bởi thời điểm đó, kho nhà máy còn chứa lượng hàng hơn 60 tỷ đồng".

Tin mới lên