Thị trường

Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại qua sân bay Nội Bài

(VNF) - Văn phòng Chính Phủ vừa phát đi văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại qua sân bay Nội Bài

Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại qua sân bay Nội Bài. (Ảnh minh hoạ)

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, phương thức, thủ đoạn, đối tượng, kiên quyết đấu tranh triệt phá các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại qua cảng hàng không quốc tế; tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan để ngăn chặn hiệu quả tình trạng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro, chính sách đối với hàng hoá là quà biếu, quà tặng, hàng cá nhân, hàng ký gửi qua đường hàng không để buôn lậu, trốn thuế.

Tại văn bản số 361/BC-VPTT ngày 11/10/2018 trước đó, báo cáo kết quả đoàn khảo sát công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại tại khu vực sân bay quốc tế Nội Bài, Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết trong thời gian 9 tháng đầu 2018, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn sân bay quốc tế Nội Bài diễn biến hết sức phức tạp với nhiều hành vi và phương thức, thủ đoạn tinh vi, tăng giảm theo từng thời điểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.

Hàng hoá nhập lậu qua cửa khẩu quốc tế Nội Bài thường được vận chuyển bằng đường hàng không thông qua hành lý cá nhân xách tay, ký gửi của đối tượng du lịch, học tập, công tác ở nước ngoài về và đường hàng hoá thông qua các công ty vận tải hàng hoá, công ty chuyển phát nhanh tại các kho hàng.

Cơ quan này cho hay các đối tượng cất giấu theo tư trang cá nhân, nguỵ trang, đóng gói tinh vi để thoát khỏi sự theo dõi, soi chiếu của các lực lượng chức năng. Một số doanh nghiệp lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro cố tình khai sai mặt hàng để được phân vào luồng xanh, luồng vàng, lẩn tránh sự kiểm soát của Hải quan để thực hiện hành vi buôn lậu. Các đối tượng buôn lậu chủ yếu tập trung ở các đường bay quốc tế từ các nước: Anh, Pháp, Đức Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong.

Ngoài ra, tại khu vực sân bay Nội Bài, các đối tượng thông qua các chuyến bay nội địa để vận chuyển hàng hoá vi phạm từ các tỉnh phía Bắc vào khu vực miền Trung, miền Nam và ngược lại để tiêu thụ.

Số liệu báo cáo của các lực lượng chức năng được cơ quan này dẫn chứng cho thấy trong 1 ngày có khoảng 450 chuyến bay, bao gồm cả quốc tế lẫn nỗi địa, với khoảng 556 tấn hàng hoá.

Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là: ma tuý, ngà voi, vẩy tê tê, vàng, rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sữa các loại, trái cây, thiết bị y tế, thiết bị điện tử cũ, súng hơi, đạn chì và phụ tùng.

Kết quả, trong 9 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng tại khu vực sân bay Nội Bài đã kiểm tra, xử lý 240 vụ. Trong đó lực lượng quản lý thị trường huyện Sóc Sơn kiểm tra, xử lý 65 vụ, tổng số tiền thu phạt là hơn 2,1 tỷ đồng; Công an huyện Sóc Sơn kiểm tra, xử lý 20 vụ, trong đó khởi tố 2 vụ án, tổng số tiền thu phạt là hơn 3,1 tỷ đồng; Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài kiểm tra, xử lý 144 vụ vi phạm hành chính; Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh kiểm tra, xử lý 10 vụ về gian lận thương mại về thuế, với tổng số tiền thu phạt là hơn 23,5 triệu đồng.

Cũng theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, căn cứ vào tình hình thực tế, số lượng các vụ việc đã được kiểm tra, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng tại khu vực sân bay Nội Bài 9 tháng vừa qua, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo 389 nhận thấy hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại tại đây còn rất hạn chế, chưa tương xứng với đặc điểm, tính chất và quy mô hiện nay.

Cơ quan này cũng chỉ ra một số nguyên nhân chính khiến kết quả công tác còn nhiều hạn chế. Cụ thể, theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, đó là do địa bản sân bay rất rộng, phức tạp, có nhiều công ty, hoạt động dịch vụ trên nhiều khu vực làm việc khác nhau và mỗi khu vực lại có tính chất đặc thù riêng biệt; Số lượng các chuyến bay trọng điểm tăng, lực lượng kiểm soát hải quan lại mỏng nên không thể kiểm tra, kiểm soát hết số hàng hoá và hành khách.

Cùng với đó, đối tượng vi phạm tinh vi, liều lĩnh hơn, tổ chức thành đường dây ổ nhóm để buôn lậu, trong khi thông tin về các đối tượng còn rất hạn chế, khó thu thập; Chính sách thông thoáng của Chính phủ trong việc quản lý rủi ro, phân luồng hàng hoá của hải quan, tỷ lệ luồng xanh và luồng vàng chiếm rất cao (gần 95%), hải quan chỉ được kiểm tra không quá 5% tổng số hàng hoá qua đây.

Một nguyên nhân nữa theo cơ quan này đó là do công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các lực lượng chức năng còn chưa hiệu quả, thường xuyên, liên tục.

Theo đó, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đề xuất với Trưởng ban giao Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tiếp tục quán triệt lực lượng chức năng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình – Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia tại văn bản số 2922/VPCP-V.I ngày 30/3/2018.

Cơ quan này cũng đề xuất giao Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội phối hợp với văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia xây dựng kế hoạch tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết tại khu vực sân bay quốc tế Nội Bài;

Đồng thời giao văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội và các cơ quan có liên quan tăng cường theo dõi, giám sát, đôn đốc các lực lượng chức năng trong quá trình phát hiện, xử lý các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại khu vực sân bay quốc tế Nội Bài; kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất Trưởng ban kết quả và những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tin mới lên