Tài chính tiêu dùng

Phí dịch vụ ngân hàng: Trăm dâu đổ đầu khách hàng?

(VNF) - Mỗi thẻ ATM, khách hàng phải cõng 20-25 loại phí dịch vụ cơ bản như quản lý tài khoản, Internet Banking, phí thường niên, SMS biến động số dư… Đáng nói, các loại phí dịch vụ ngân hàng này ngày tăng cao nhưng chất lượng dịch vụ lại không tăng tương ứng.

Phí dịch vụ ngân hàng: Trăm dâu đổ đầu khách hàng?

Mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã thông báo áp dụng biểu phí dịch vụ mới. Đây là một trong những ngân hàng có số lượng khách hàng sử dụng thẻ thanh toán nhiều nhất trên thị trường, do vậy việc tăng một loạt phí gây ảnh hưởng không nhỏ tới khách hàng.

Oằn lưng "cõng" phí

Cụ thể, theo biểu phí dịch vụ mới, Vietcombank tăng phí SMS Banking từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng/tháng. Khi chủ tài khoản chuyển tiền trong cùng hệ thống ngân hàng qua ứng dụng Internet Banking, Mobile Banking trước đây được miễn phí thì nay sẽ tốn 2.200 đồng/giao dịch cho khoản tiền dưới 50 triệu đồng và 5.500 đồng/giao dịch nếu chuyển từ 50 triệu đồng trở lên. 

Ngoài ra, Vietcombank cũng thu phí quản lý tài khoản 2.200 đồng/tháng, SMS biến động số dư 11.000 đồng/tháng, chuyển khoản khác ngân hàng 7.700 đồng/lần, rút tiền tại ATM của Vietcombank 1.100 đồng/lần, rút tiền ở ATM các ngân hàng khác 3.300 đồng/lần, phí thường niên 60.000 đồng/năm…

Tương tự, với thẻ ATM của TPBank, khách hàng cũng phải chịu mức phí quản lý tài khoản 5.500 đồng/tháng, SMS Banking 11.000 đồng/tháng, SMS biến động số dư 22.000 đồng/tháng, chuyển khoản khác ngân hàng 8.800 đồng/lần, phí thường niên 99.000 đồng/năm. 

Ngoài ra, người dùng còn phải mất những khoản tiền không thể tính hàng tháng do tùy thuộc vào việc sử dụng tài khoản, như phí rút hay nạp tiền vào tài khoản, phí chuyển khoản nội mạng và ngoại mạng… trên online hay trên quầy giao dịch, cùng ngân hàng hay khác ngân hàng…

Tính ra mỗi thẻ ATM khách hàng phải cõng 20-25 loại phí dịch vụ cơ bản của ngân hàng.

Theo thống kê của VietnamFinance, hiện chỉ có 4 ngân hàng thực hiện thu phí chuyển tiền cùng hệ thống bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV và MBBank. Trong đó, Vietinbank là ngân hàng thu phí nội bộ cao nhất khi khách hàng chuyển từ 50 triệu đồng trở lên sẽ chịu phí 0,01% giá trị giao dịch, chưa bao gồm thuế VAT là 10%. MBBank thì áp dụng mức phí cao nhất với 3.300 đồng với giao dịch dưới 20 triệu đồng và 5.500 đồng với giao dịch trên 20 triệu đồng. BIDV có mức phí 1.100 đồng/lần giao dịch.

Còn tại Vietcombank, mức thu phí chuyển tiền cùng hệ thống được niêm yết 2.200 đồng với số tiền dưới 50 triệu đồng và từ 50 triệu đồng trở lên chịu phí 5.500 đồng/giao dịch thay vì mức chung 3.300 đồng/giao dịch trước đó.

Về các khoản phí chuyển tiền liên ngân hàng, duy nhất chỉ có Techcombank hiện miễn phí toàn bộ giao dịch chuyển tiền ngoài hệ thống cho khách hàng của mình. Các ngân hàng còn lại đều lấy một giá trị tiền chuyển nhất định để quy định mức phí. Chẳng hạn, mức phí tại VIB áp dụng hiện nay là 0,02% số tiền chuyển nhưng quy định số tiền tối thiểu là 10.000 đồng và tối đa là 600.000 đồng chưa bao gồm thuế VAT.

Ngân hàng MBBank cũng thuộc nhóm ngân hàng có phí chuyển tiền liên ngân hàng cao khi thu phí 11.000 đồng với giao dịch dưới 500 triệu đồng và 0,02% mức tiền chuyển với số dư lớn hơn 500 triệu, tối thiểu 1 triệu đồng. Vietcombank cũng quy định mức chuyển khoản khác ngân hàng 7.700 đồng/lần.

Nhóm ngân hàng bao gồm VPBank, TPBank, BIDV, SHB… thu phí chuyển tiền dưới 10 triệu đồng từ 6.600-9.900 đồng/giao dịch.

Tăng phí là khó tránh khỏi?

Liên quan đến việc nhiều ngân hàng thời gian gần đây điều chỉnh mức tăng phí, các chuyên gia tài chính cho rằng, việc tăng phí là khó tránh khỏi vì bản chất của việc cung ứng dịch vụ luôn tốn chi phí, cho nên kiểu gì ngân hàng cũng phải thu phí thông qua cách này hoặc cách khác theo xu hướng tăng là điều khó tránh. 

Theo chuyên gia tài chính, tiến sỹ - luật sư Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, hiện nay, yêu cầu của người dân về tiện ích dịch vụ ngân hàng ngày càng cao. Theo đó việc đầu tư bảo mật của ngân hàng cũng ngày càng lớn. Do đó, ngân hàng tăng phí cũng là muốn san sẻ gánh nặng chi phí đầu tư ban đầu của mình.

Tuy nhiên, nhìn nhận sâu hơn về vấn đề này, ông Tín cho rằng trong bối cảnh thanh toán điện tử mới ở giai đoạn đầu, Chính phủ đang đưa ra nhiều chủ trương, biện pháp khuyến khích thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thế nên việc ngân hàng tăng phí có thể sẽ gây ra hiệu ứng tiêu cực.

"Có nhiều cách để bù đắp các khoản phí dịch vụ cho khách hàng, chẳng hạn hiện nay tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng tại các ngân hàng với lãi suất dao động trong khoảng 0,2%-0,5%/năm. Với số tiền gửi không kỳ hạn này, ngân hàng đem cho vay với lãi suất thấp nhất cũng được 4,1%/năm (kỳ hạn một tháng). 

Nhờ nguồn thu ổn định này, nhiều ngân hàng dư sức bù đắp cho các khoản miễn phí từ phí dịch vụ với khách hàng. Ngoài ra, nếu ngân hàng tiết kiệm các chi phí hoạt động thì mức phí áp dụng cho khách hàng sử dụng dịch vụ sẽ thấp, thậm chí không cần tăng và ngược lại", ông Tín chia sẻ.

Tin mới lên