Diễn đàn VNF

PGS.TS Trần Đình Thiên: 'Doanh nghiệp tư nhân vẫn lượng nhiều, chất yếu'

(VNF) - Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện có gần 700.000 doanh nghiệp tư nhân. Số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng từ 1.800 doanh nghiệp năm 2016 lên khoảng 4.000 doanh nghiệp vào năm 2018. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể, khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn là “lượng nhiều, chất yếu”.

PGS.TS Trần Đình Thiên: 'Doanh nghiệp tư nhân vẫn lượng nhiều, chất yếu'

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Tham luận tại hội thảo "Doanh nghiệp Việt Nam trước ngưỡng cửa chuyển đổi số", tổ chức ngày 18/7, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở vị trí thứ yếu trong “ăn chia” chiếc bánh doanh thu kinh tế số. Hơn thế nữa, doanh nghiệp Việt chủ yếu ở vị trí mới nhập cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.

Theo điều tra năm 2018 của Bộ Công Thương, có tới 82% doanh nghiệp và tới 16/17 ngành khảo sát đang có mức độ sẵn sàng thấp dù phần lớn có ý thức số. Còn theo "Khảo sát công nghiệp chế tác trong Ueki (2019)", có 35% doanh nghiệp Việt Nam chưa có kế hoạch áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho quản lý chuỗi cung ứng và 77% doanh nghiệp không chia sẻ dữ liệu về hoạt động nhà máy với khách hàng hoặc nhà cung ứng (Thái Lan chỉ 40%). 

"Trong 3 - 4 năm trở lại đây, tinh thần 'tiến quân' của Việt Nam vào cách mạng công nghiệp 4.0 lên rất cao nhưng Việt Nam có lỡ cơ hội vàng hay không vẫn đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ", PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định chiến lược cách mạng công nghiệp 4.0 cùng chương trình hành động về chuyển đổi số đang được nghiên cứu, soạn thảo và sẽ được lồng ghép vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

Không chỉ vậy, một loạt các chương trình về xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch thông minh, xây dựng đô thị thông minh, lập nghiệp – khởi nghiệp sáng tạo được nhiều bộ ngành và tỉnh thành trong cả nước triển khai. Tuy vậy, cách thức triển khai công cuộc tiến công vào cách mạng công nghiệp 4.0 còn ít nhiều mang tính phong trào.

Cũng theo ông Thiên, hiện có gần 700.000 doanh nghiệp tư nhân. Số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng hơn gấp đôi, từ 1.800 doanh nghiệp năm 2016 lên khoảng 4.000 vào năm 2018. Tuy nhiên, về tổng thể, khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn lượng nhiều, chất yếu.

"Mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp đăng ký theo luật hoạt động vào năm 2020 có thể đạt hay không đạt, điều đó không quá quan trọng. Vấn đề then chốt hiện nay là làm sao doanh nghiệp Việt Nam thực sự lớn lên được và trở thành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế đất nước", nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt vấn đề.

Cũng bàn luận về vấn đề này, GS Hồ Tú Bảo cho rằng chuyển đối số là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Do vậy, từ nhận thức, mỗi doanh nghiệp phải xác định lộ trình để chuyển đổi, xây dựng năng lực số bằng hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, văn hóa... Yếu tố thành công không phải ở công nghệ mà phải bắt nguồn từ nhận thức và chiến lược của doanh nghiệp đồng thời sẵn sàng về phương diện công nghệ.

Còn theo TS Nguyễn Mạnh Hải, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, để kinh tế số, kinh tế chia sẻ được tận dụng hiệu quả ở Việt Nam, quản lý nhà nước cần có cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ bao gồm cảnh báo sớm cho người cung cấp dịch vụ.

Bên cạnh đó, các bộ ngành cần tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và dữ liệu với nhau trong điều hành quản lý nhà nước; xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các bộ, ngành với chính quyền, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi và ổn định cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tin mới lên