Tài chính

Petrolimex muốn giãn tiến độ thoái vốn, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu 'theo đúng chỉ đạo'

(VNF) - Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trong việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Petrolimex muốn giãn tiến độ thoái vốn, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu 'theo đúng chỉ đạo'

Tổ công tác của Chính phủ yêu cầu Petrolimex thoái vốn, cổ phần hóa theo đúng chỉ đạo

Ông Phạm Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, năm 2017, tổng doanh thu của Tập đoàn là hơn 153.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.784 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 38.000 tỷ đồng. 8 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 3.430 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 29.000 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn đã tái cấu trúc thành công, đúng pháp luật các doanh nghiệp thành viên theo Quyết định số 828/QĐ-TTg ngày 31/5/2011 và Văn bản số 11490/BCT-TCCB ngày 27/11/2012 của Bộ Công Thương; đã hoàn tất việc hình thành 6 Tổng công ty hoạt động hiệu quả theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con; Công ty Cổ phần trong năm 2013 – 2017.

Về thoái vốn nhà nước tại Công ty mẹ, ngày 4/7/2018, Tập đoàn đã có văn bản báo cáo Bộ Công Thương để xem xét báo cáo Thủ tướng về phương án thoái vốn. Tập đoàn đề nghị cấp có thẩm quyền đồng ý giãn thời hạn thoái vốn đến năm 2019-2020, thay vì 2018 như kế hoạch và tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa đến 49%.

Đáng chú ý, dự kiến trong năm 2018 sẽ hoàn thành việc sáp nhập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PGBank) sáp nhập vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank). Việc sáp nhập theo quy định sẽ tăng lợi nhuận của Petrolimex khoảng 1.000 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đề cập công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng đang có vướng mắc trong việc vừa yêu cầu thoái vốn, tức là phải thu hút các nhà đầu tư ngoài nhà nước, nhưng đồng thời cũng yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải rút ra khỏi một số ngành nghề kinh doanh và như thế có thể khiến nhà đầu tư lưỡng lự. “Tôi cho rằng khi đã cổ phần hóa, nhà nước chỉ nắm giữ 51% cổ phần, thậm chí thấp hơn, thì việc kinh doanh ngành nghề gì nên để các cổ đông quyết định”, ông Khánh nêu quan điểm.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục, Trưởng đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc với Petrolimex. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục đánh giá cao những nỗ lực của Petrolimex. Tại thời điểm chuyển từ công ty nhà nước sang công ty cổ phần năm 2011, giá trị vốn hóa của Tập đoàn khoảng trên 16.000 tỷ đồng, nhưng đến nay đã lên tới khoảng 90.000 tỷ đồng, tăng 5,6 lần. Tập đoàn cũng đóng vai trò quan trọng trong bình ổn thị trường khi chiếm tới 48% thị phần xăng dầu cả nước; cùng với đó là các số liệu về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách.

Tổ công tác đề nghị thời gian tới, trong công tác đầu tư, Tập đoàn cần bảo đảm đúng định hướng, bảo đảm phát triển bền vững, cân nhắc phân bổ nguồn lực tránh dàn trải; thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Tập đoàn cần nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, năng lực điều hành, cải cách hành chính, giảm chi phí; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra; thực hiện hiệu quả việc phối hợp với các doanh nghiệp khác như với PVN, EVN; làm tốt công tác giữ gìn thương hiệu và chống gian lận thương mại…

Tin mới lên