Bất động sản

'Ông trùm' Tasco chìm trong ‘vũng lầy’ BOT

(VNF) - Hiện cổ phiếu Công ty CP Tasco (HUT) được cho là “chạm đáy” chỉ còn dưới 5.000 đồng/cổ phiếu (mức giá này chỉ ngang tiền một cốc trà đá). Vậy tại sao có thảm cảnh như vậy?

'Ông trùm' Tasco chìm trong ‘vũng lầy’ BOT

Tasco đang bị sa lầy tại nhiều dự án BOT

“Phú quý giật lùi…”

Còn nhớ, thời đỉnh điểm cao nhất của HUT đạt được vào năm 2016 với mức cổ phiếu từng giao dịch là 12.000 đồng/cổ phiếu (CP).

Tuy nhiên, bước sang năm 2017, 2018, HUT lao dốc khá nhanh mất tới gần 60% giá trị trên thị trường chứng khoán.

Mức giảm bắt đầu từ năm 2017 khi tổng doanh thu chỉ đạt 2.195 tỷ đồng, sụt giảm 26% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế thu về 297,5 tỷ, giảm gần 27%.

Tiếp đà “giật lùi” đó, kết quả doanh thu và lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2018 của Tasco giảm sâu so với cùng kỳ.

Cụ thể, quý 3/2018, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản của HUT chỉ ghi nhận 42 tỷ, chưa bằng một phần năm của cùng kỳ 2017.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Tasco đạt 764,7 tỷ đồng tổng doanh thu và 80,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 47% và 64% so với cùng kỳ năm trước.

Với hơn 268 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường HUT theo đó chỉ còn khoảng 1.477 tỷ đồng.

BOT - “chưa lối thoát”?

Hoà chung "bức tranh" ảm đảm trong doanh thu của Tasco phải kể đến sự thất bại nặng nề trong việc triển khai đầu tư các dự án BOT. Trừ tuyến BOT Quảng Bình, Tasco báo lãi 41 tỷ trong năm 2017, còn lại hàng loạt các dự án khác đang bị đình trệ, không lối thoát.

Điển hình nhất phải kể đến “làn sóng” phản đối BOT Tân Đệ đặt trên quốc lộ 10, thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Tại dự án này, người dân cho rằng trạm BOT Tân Đệ đã hết hạn thu phí, việc Công ty Tasco vẫn duy trì hoạt động của trạm thu phí này để hoàn trả vốn quốc lộ 10, đoạn tránh thị trấn Đông Hưng (huyện Đông Hưng, Thái Bình) là vô lý, bởi người dân không đi qua tuyến đường này nên họ sẽ không đóng phí.

Chỉ 2 tuần sau đó, tiếp tục “làn sóng” phản đối đó lây lan sang BOT Mỹ Lộc (Nam Định) trên tuyến QL21B, cũng là đường tránh thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định).

Người dân cho rằng, làn đường rộng 5m trên QL21B, đoạn từ vòng tròn Big C Nam Định đến trạm thu phí Mỹ Lộc dài 3,9 km là BT, không phải là BOT.

Chính vì sự vô lý của 2 BOT này, nhiều lái xe đã lập chốt để phản đối việc thu phí. Vậy là suốt 3-4 tháng nay, các trạm BOT này buộc phải xả trạm, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của Tasco.

Không chỉ dừng lại ở đó, theo tìm hiểu của VietnamFinance tại hàng loạt các dự án BOT khác của Tasco cũng đang gặp vướng mắc.

Ví dụ như dự án BOT Quốc lộ 10 Hải Phòng đã thi công xong cơ bản toàn bộ tuyến vào cuối năm 2017 nhưng chưa hoàn toàn giải phóng mặt bằng nên chưa thể thực hiện thu phí.

Dự án BOT Đông Hưng, công ty chưa thực hiện thi công xong vì vướng mặt bằng, do đó dự án kéo dài thêm 3 tháng…

Chuyển hướng đầu tư

Hiện tại, Tasco được mệnh danh là “ông trùm BOT” với số lượng đầu tư các dự án BOT giao thông hàng đầu khu vực phía Bắc, nhưng cũng cần nhắc lại rằng Công ty này đang đầu tư dàn trải trên nhiều lĩnh vực.

Ngay sau khi BOT không còn là “miếng bánh” màu mỡ và “chúng tôi không ăn dày”, như lời ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tasco từng chia sẻ, thì trong một động thái gần nhất, tháng 1/2018, Tasco dường như đã “ngán” cầu đường khi quyết định thoái vốn nhanh tại Tổng công ty Thăng Long (nơi đơn vị này là một trong những cổ đông lớn nhất).

Cùng đó, đến tháng 6/2018, Tasco công bố quyết định của Hội đồng Quản trị về tăng vốn điều lệ Công ty TNHH T’ HOSPITAL lên 158,6 tỷ đồng. Mục đích để thực hiện dự án Bệnh viện tại khu đất nhận chuyển nhượng từ Công ty TNHH Tập đoàn Hải Châu Việt Nam.

Dự án bệnh viện này có tổng mức đầu tư dự kiến là 765 tỷ đồng. T’ HOSPITAL cần tăng vốn để thực hiện đầu tư 20% dự án, tương đương 153 tỷ đồng.

Theo kế hoạch phát triển của công ty, lĩnh vực y tế được định hướng là 1 trong 3 lĩnh vực chủ đạo của Tasco trong tương lai bên cạnh bất động sản, hạ tầng giao thông. Hoạt động đầu tư y tế được Tasco nghiên cứu từ cuối năm 2012 và quản lý thông qua công ty con T’ HOSPITAL thuộc sở hữu 100% của công ty.

Nhà đầu tư tháo chạy, ông trùm “mua vào”...

Dù có bước chuyển hướng trong rất nhiều lĩnh vực như rác thải, y tế, môi trường…. tuy nhiên, niềm tin vào Tasco đã “nguội” lạnh đối với các nhà đầu tư chiến lược.

Cụ thể, Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth vừa bán ra 450.000 cổ phiếu HUT giảm số lượng cổ phần nắm giữ xuống 3.004.526 cổ phần, tương đương 1,2% vốn điều lệ. Tiếp đó, Công ty CP Quản lý Quỹ VinaCapital cũng bán 500.000 cp HUT giảm tỷ lệ sở hữu xuống 1,03%.

Tuy nhiên, có một điều ngoài dự đoán đó là khi các nhà đầu tư “nhanh chân” rút khỏi “con tàu đắm” thì ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tasco lại vừa thông báo đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu HUT.

Theo thông tin từ Sở chứng giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), dự kiến giao dịch trên sẽ thực hiện từ ngày 5/11 đến 29/11 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Nếu mua đủ số lượng đăng ký, ông Dũng sẽ nâng sở hữu tại HUT lên hơn 21,68 triệu cổ phiếu, tương đương 8,74% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Dưỡng, Tổng giám đốc cũng liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu HUT. Sau 2 lần đăng ký mua, vị này đã sở hữu 393 nghìn cổ phiếu HUT, tương ứng 0,16% vốn.

Vậy phải chăng, ông Dũng quá đắm đuối với “con tàu” Tasco,…. hoặc đang trông chờ vào Dự án thu phí không dừng (VETC) đang được Chính phủ, Bộ giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo triển khai trong năm 2019.

Nên nhớ, tại Dự án VETC, nhiều đơn vị, chủ đầu tư dự án BOT đã “tố” mức giá của VETC đưa ra khá cao. Họ yêu cầu thuê đơn vị khác đấu thầu cạnh tranh, giá rẻ hơn và chất lượng, dịch vụ vẫn như vậy.

Hay ông Phạm Quang Dũng, đang trông chờ hàng loạt trạm thu phí BOT của Tasco sẽ được thu phí trong năm tới?

Dù chưa rõ hồi kết, nhưng giá cổ phiếu của Tasco giờ chỉ còn 5.000 đồng/CP tương đương một cốc trà đá. Thật đáng tiếc cho một trong những “ông trùm” BOT tại Việt Nam.

Tin mới lên