Nhân vật

Ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang lọt danh sách tỷ phú Forbes năm 2019

(VNF) - Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh và Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang đã gia nhập danh sách tỷ phú USD năm 2019 của Forbes, với khối tài sản lần lượt là 1,7 tỷ USD và 1,3 tỷ USD.

Ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang lọt danh sách tỷ phú Forbes năm 2019

Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh và chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang đã gia nhập danh sách tỷ phú USD năm 2019 của Forbes.

Ngày 5/3/2019, Forbes đã công bố danh sách tỷ phú thường niên. Theo đó, Việt Nam chính thức có 5 tỷ phú. Dữ liệu tính toán được Forbes chốt vào ngày 8/2/2019.

Dẫn đầu trong danh sách tỷ phú Việt Nam vẫn là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, với 6,6 tỷ USD; tiếp đến là CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo với 2,3 tỷ USD.

Tài sản của Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương đạt 1,7 tỷ USD - giảm 100 triệu USD so với năm 2018.

Do giá cổ phiếu giảm mạnh, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long đã ra khỏi danh sách tỷ phú USD.

Đây là lần thứ 33 Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới.

Theo đó, đến tháng 2/2019, thế giới có 2.153 người có tài sản từ 1 tỷ USD trở lên, giảm 55 người so với con số 2.208 của năm 2018. Tổng tài sản của các tỷ phú hiện là 8.700 tỷ USD, giảm 400 tỷ USD sau một năm.

Jeff Bezos - nhà sáng lập và CEO hãng bán lẻ trực tuyến Amazon là người giàu nhất thế giới với 131 tỷ USD. Đồng sáng lập Microsoft - Bill Gates xếp thứ 2 với 96,5 tỷ USD. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett ở vị trí số 3 với 82,5 tỷ USD. Tiếp theo là Bernard Arnault, ông chủ LVMH, với 76 tỷ USD và Amancio Ortega, ông chủ Zara, với 62,7 tỷ USD.

Về vị tỷ phú mới của Việt Nam, ông Nguyên Đăng Quang, ông được biết đến là người mang ngành sản xuất mì gói và tương ớt sang Nga. Ông Quang là tiến sỹ vật lý hạt nhân nhưng khởi nghiệp tại Nga với thương hiệu mì gói Mivimex và trở nên giàu có với nhà máy công suất 30 triệu gói/tháng.

Về Việt Nam, ông Quang thành công hơn với việc xây dựng được một chế hàng tiêu dùng nhanh với nhiều sản phẩm từ mì gói, tương ớt, nước tương... Masan Group cũng đầu tư vào một số lĩnh vực khác trong đó có khoáng sản và tài chính.

Hiện tại, ông Quang trực tiếp và gián tiếp sở hữu 50% cổ phần của Masan Group. 

Trước khi lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes, vào cuối năm 2018, Bloomberg đã ghi nhận ông Nguyễn Đăng Quang là một trong 2 tỷ phú USD mới của tại khu vực Đông Nam Á trong năm 2018. 

Khác với Forbes, Bloomberg ghi nhận ông Quang là tỷ phú thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau tỷ phú bất động sản Phạm Nhật Vượng (chủ tịch Vingroup) và tỷ phú hàng không Nguyễn Thị Phương Thảo (VietJet). 

Tân tỷ phú Hồ Hùng Anh sinh năm 1970, là thành viên HĐQT Techcombank từ 2004-2005, là phó chủ tịch thứ nhất tại HĐQT Techcombank từ 2006 đến 2008. Từ tháng 5/2008 tới nay, ông Hùng Anh là chủ tịch Techcombank.

Ông Hồ Hùng Anh cũng có thời gian gắn bó với Masan Group của ông Nguyễn Đăng Quang.

Cụ thể, từ năm 1997, ông Hồ Hùng Anh là Phó chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Đầu tư Masan (tên cũ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan hiện nay), Tổng giám đốc công ty Masan - Rus Trading tại Nga. Ông đã giữ vị trí phó chủ tịch của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan cho đến tháng 4/2018 thì xin rút và chỉ tập trung vào Techcombank với vị trí Chủ tịch HĐQT.

Sau khi rời Masan, ông Hồ Hùng Anh từng bước củng cố quyền lực tại Techcombank và gia đình ông là gia đình giàu có nhất trong giới ngân hàng. 

Trong năm 2018, ngân hàng của vị đại gia gốc Đông Âu tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên mức 34.965,9 tỷ đồng. Đây là kết quả của việc phát hành thành công hơn 2,3 tỷ cổ phiếu cho 4.262 cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 200%. Số cổ phiếu đã được đưa vào giao dịch hồi cuối tháng 7. Techcombank chính thức trở thành một trong những ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Tin mới lên