Tài chính quốc tế

OECD kêu gọi phá vỡ thế bế tắc trong kế hoạch đánh thuế các tập đoàn công nghệ

Ngày 9/10, các quốc gia giàu có nhất thế giới được thúc giục nên có một "cách tiếp cận thống nhất" để phá vỡ thế bế tắc trong kế hoạch đánh thuế doanh thu toàn cầu của các tập đoàn công nghệ khổng lồ.

OECD kêu gọi phá vỡ thế bế tắc trong kế hoạch đánh thuế các tập đoàn công nghệ

Ngày 9/10, các quốc gia giàu có nhất thế giới được thúc giục nên có một "cách tiếp cận thống nhất" để phá vỡ thế bế tắc trong kế hoạch đánh thuế doanh thu toàn cầu của các tập đoàn công nghệ khổng lồ, một vấn đề đang gây ra căng thẳng giữa Mỹ và một số quốc gia châu Âu.

Các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã công bố các đề xuất để thu hẹp khoảng cách giữa ba kế hoạch đánh thuế các tập đoàn công nghệ, vốn đang chuyển phần lớn thu nhập sang các nước có mức thuế thấp hơn.

Pháp đã lên tiếng chỉ trích các quy định của Liên minh châu Âu (EU), cho phép các tập đoàn lớn của Mỹ như Google, Apple, Facebook và Amazon khai báo thu nhập trên khắp châu Âu tại các “thiên đường thuế” như Ireland hoặc Luxembourg. Trong năm nay, Paris đã áp thuế riêng đối với những tập đoàn công nghệ và cam kết sẽ hủy bỏ mức áp thuế này nếu một hiệp ước toàn cầu được ký kết.

OECD đang dẫn đầu các cuộc đàm phán nhằm đạt được một hiệp ước vào năm tới. Tuy nhiên, trong nhiều tháng, tổ chức này chỉ đạt những bước tiến nhỏ trong việc hóa giải những bất đồng của ba kế hoạch - một do Anh hậu thuẫn, một do Mỹ đề xuất và một do các nước đang phát triển ủng hộ.

Mặc dù cả ba kế hoạch trên đều đề xuất quyền đánh thuế diện rộng tại các quốc gia nơi một công ty có hoạt động kinh doanh, song vẫn có những khoảng cách giữa các đề xuất.

Đề xuất của Anh tập trung chủ yếu vào các công ty kỹ thuật số và bất kỳ quốc gia nào mà công ty đó có người dùng đều có thể áp thuế. Đề xuất của London chủ yếu giống với Thuế dịch vụ kỹ thuật số mà nước này dự định áp dụng vào năm tới.

Kế hoạch của Mỹ nhằm vào đánh thuế nhóm các công ty tiêu dùng rộng lớn hơn có hoạt động tiếp thị ở một quốc gia. Một phân tích của Ngân hàng Thế giới cho hay các tập đoàn như Coca-Cola hay General Motors có khả năng bị ảnh hưởng bởi kế hoạch này.

Kế hoạch thứ ba nhắm vào tất cả các công ty có "sự tham gia kinh tế bền vững" thông qua công nghệ hoặc các phương tiện khác, qua đó có thể cung cấp một khoản thanh toán thuế lớn hơn cho các quốc gia nhỏ hơn.

Các kế hoạch trên sẽ được chính thức trình bày tại cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Washington vào ngày 17-18/10.

Theo Tổng thư ký của OECD, Angel Gurria, việc không đạt được một hiệp ước chung vào năm 2020 sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ các quốc gia sẽ hành động đơn phương, với những hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đã mong manh. Ông Gurria nhấn mạnh OECD không được phép để kịch bản này xảy ra.

Tin mới lên