Bất động sản

Ồ ạt đặt mua máy bay: nhu cầu thực hay ‘tạo sóng’ cổ phiếu?

(VNF) - Trong 2 ngày tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Hà Nội, người dân Việt được chứng kiến 2 hợp đồng khủng tỷ USD khi Vietjet đặt mua 100 máy bay 737 Max mới của Boeing và Bamboo Airways đặt hàng 10 máy bay thân rộng 787-9 Dreamliner của Boeing. Tuy nhiên, 2 hãng hàng không này sẽ thu xếp dòng tiền từ đâu, lộ trình mua các máy bay thế nào? Việc đặt mua này là thực hay chiêu trò tạo sóng chứng khoán?

Ồ ạt đặt mua máy bay: nhu cầu thực hay ‘tạo sóng’ cổ phiếu?

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và ông Kevin McAllister, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Boeing thực hiện lễ ký kết mua 10 máy bay

FLC toan tính gì?

Đúng như phán đoán của VietnamFinance, Tập đoàn FLC và Bamboo Airways đang đặt cho mình những lộ trình riêng khá thú vị. Tính đến thời điểm hiện tại, hãng này chỉ có 6 chiếc máy bay (thân nhỏ). Trong đó, có 3 chiếc thuê khô và 3 chiếc thuê ướt của Hãng hàng không Freebird Airways (Thổ Nhĩ Kỳ).

“Trong năm 2019, chúng tôi sẽ đưa về thêm 4 chiếc máy bay nữa, nâng tổng số máy bay của Bamboo Airways lên con số 10 chiếc. Việc mong muốn nâng số lượng máy bay của hãng là rất cần thiết. Phù hợp với lộ trình bay và mục tiêu kinh doanh của hãng”, lãnh đạo Bamboo Airways cho biết.

Vị lãnh đạo này cũng khẳng định: Với 10 chiếc máy bay Boeing 787 thân rộng vừa được ký kết tại Hội nghị thượng định Mỹ - Triều, dự kiến, trong thời gian tới, Bamboo Airways sẽ có tổng cộng tới 30 chiếc Boeing 787.

Tuy nhiên, dư luận hồ nghi về việc tại sao Bamboo Airways non trẻ (vừa ra mắt được 2 tháng) lại có hàng loạt những hành động quyết liệt và táo bạo với chi phí tỷ đô như vậy? Đặc biệt, kể cả mua máy bay về để cho thuê cũng thiếu khả thi, vì dòng máy bay thân rộng cho thuê là không dễ, vậy đây có phải là "chiêu bài" giúp nâng giá cổ phiếu FLC không?

Khẳng định trước báo chí, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cho biết: Bamboo mua máy bay thân rộng để hướng tới mục tiêu thực hiện đường bay thẳng tới Mỹ vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020.

Hiện Tập đoàn FLC đã lập văn phòng đại diện tại Mỹ trong năm 2018 để chuẩn bị cho đội ngũ nhân sự, pháp lý và nhiều yếu tố hỗ trợ khác. Kế hoạch đang được khẩn trương xúc tiến ngay sau khi phía Mỹ chính thức công nhận Việt Nam xếp hạng an toàn hàng không loại 1 (CAT 1) ngày 15/2 vừa qua.

“Mặt khác, thị trường Mỹ rất nhiều tiềm năng, thậm chí sẽ có lãi ngay bởi 2 triệu kiều bào, du học sinh đang sống và làm việc tại Mỹ. Đây là lượng khách hàng có sẵn mà không phải tìm kiếm thị trường”, ông Trịnh Văn Quyết đánh giá.

Bamboo Airways là hãng hàng không thể hiện rõ khát khao lộ trình bay thẳng đến Mỹ

Cũng phải thừa nhận rằng, rõ ràng, các quyết định của Bamboo Airways đều khá táo bạo và chóng vánh, đặc biệt là việc xuất hiện “thần tốc” trên thị trường hàng không Việt, đến các quyết định được cho là táo bạo và tiên phong trong thị trường này.

Nên nhớ, ngay cả Vietnam Airlines và Vietjet cũng khá dè dặt và lo lắng về việc đường bay thẳng Việt Mỹ sẽ lỗ, nhưng với FLC và Bamboo Airways họ lại khá tự tin về đường bay này.

Thậm chí, “hiện Bamboo Airways đã thuê máy bay thân rộng mới và sẽ về Việt Nam vào quý II/2019 để phục vụ đường bay đến Mỹ và châu Âu nếu được cấp phép. Các chuyến bay này không chỉ đóng vai trò thúc đẩy các hoạt động trong ngành du lịch, mà còn giúp tiếp tục phát triển các cơ hội đầu tư và thương mại song phương", ông Quyết nói.

Năm 2018, doanh thu cho thuê tàu bay của Vietjet tăng trưởng âm

Còn với Vietjet, hãng này tỏ ra khá khôn ngoan khi lựa chọn mua dòng máy bay 737 Max mới của Boeing, đây là loại máy bay thân hẹp, công suất vừa phải và phù hợp khai thác, cũng như cho thuê lại khá dễ dàng.

Đại diện Vietjet cho biết: Lộ trình mua 100 chiếc 737 Max mới từ Boeing đã được Vietjet lên kế hoạch thực hiện từ nhiều năm qua để nhằm phát triển đội bay. Việc bán và mua lại là một chương trình hợp tác tài chính giữa các doanh nghiệp để đầu tư hiệu quả vào một dự án.

“Với việc đặt hàng số lượng lớn giúp cho hãng không chỉ được giảm giá về thương mại mà còn được sự hỗ trợ về kỹ thuật, bảo hành, bảo trì từ các hãng máy bay Boeing và Airbus”, vị lãnh đạo Vietjet chia sẻ.

Hình ảnh máy bay 737 Max mới của Boeing mà Vietjet đặt mua

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, trong năm 2018, tất cả các lĩnh vực về vận tải và các hoạt động phụ trợ khác của Vietjet đều đạt doanh thu tăng trưởng kỷ lục. Riêng mảng bán và thuê lại tàu bay (sale and leaseback) vốn là một “đặc sản” của các hãng hàng không giá rẻ lại sụt giảm. Nên nhớ, trong nhiều năm qua, đây là chiến lược quan trọng, góp phần lớn vào kết quả kinh doanh của Vietjet.

Cụ thể, năm 2018, Vietjet hãng chỉ ghi nhận 18.552 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động này, chiếm 35% tổng doanh thu và giảm 7% so với năm trước đó. Đây cũng là năm đầu tiên Vietjet ghi nhận hoạt động này tăng trưởng âm và đi cùng với đó là kết quả kinh doanh của cả hãng chậm lại.

Hoạt động chuyển giao sở hữu và cho thuê tàu bay dù không phải mảng kinh doanh đem về doanh thu lớn nhất nhưng lại là mảng nhiều lợi nhuận nhất của hãng.

Ví dụ, trong năm 2017, toàn bộ doanh thu liên quan hoạt động cung cấp dịch vụ hàng không mang về cho hãng này 22.549 tỷ đồng, còn riêng mảng bán và thuê lại tàu bay cũng mang về 19.754 tỷ đồng.

Trong khi đó, lợi nhuận gộp từ hoạt động bán và thuê lại tàu bay đạt tới 3.400 tỷ đồng, khoản này từ toàn bộ hoạt động cung cấp dịch vụ hàng không đạt 3.150 tỷ đồng.

Rõ ràng, lãnh đạo Vietjet đã nhìn thấy vấn đề này nên việc đặt mua 100 tàu bay 737 Max mới từ Boeing là khá khôn ngoan để thay thế cho nhiều máy bay A320 đã cũ. Ngoài ra, các máy bay mới này cũng nằm trong lộ trình liên kết của Vietjet tại nước ngoài là ThaiVietjet (hãng hàng không tại Thái Lan)

Về ngồn vốn, lãnh đạo Vietjet cho biết: hiện hãng có nhiều phương thức thu xếp vốn như - vay từ nguồn vốn hỗ trợ xuất khẩu (ECA) của US Eximbank, Euler Hermes/COFACE/UK Finance (châu Âu), phát hành trái phiếu, vốn chủ sở hữu, thuê tài chính, bán và thuê lại tàu bay... Đây là lộ trình quan trọng mà Vietjet đặt kế hoạch trong 10 năm tới để phát triển đội tàu bay của hãng.

Vietnam Airlines đặt lộ trình mua 100 Boeing 737 Max và Boeing thân rộng

Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết: Hãng đang xem xét mua lượng lớn máy bay 737 Max từ Boeing, đối thủ của dòng Airbus A320. Con số dự kiến sẽ là 50-100 máy bay.

Tuy nhiên, ông Thành không đề cập cụ thể dòng 737 Max nào đang được Vietnam Airlines nhắm tới, nhưng nếu tính theo giá niêm yết của mẫu 737 Max 8, đơn hàng này sẽ có trị giá từ 6,1-12,2 tỷ USD.

Vị Tổng giám đốc này cũng cho hay, Vietnam Airlines đang cân nhắc mua cả máy bay đường dài từ Boeing để chuẩn bị cho kế hoạch bay thẳng từ Việt Nam tới California. Số máy bay mới này dự kiến sẽ được giao cho Vietnam Airlines trong giai đoạn 2020-2030.

 

Tin mới lên