Tài chính

'Nửa năm buồn' của các tổng công ty điện lực

(VNF) - Các tổng công ty điện lực ghi nhận mức lợi nhuận "rất đáng buồn" trong nửa đầu năm 2019, bất chấp doanh thu vẫn tăng hai con số.

'Nửa năm buồn' của các tổng công ty điện lực

'Nửa năm buồn' của các tổng công ty điện lực

Nửa đầu năm 2019 là quãng thời gian đáng buồn của các tổng công ty điện lực, khi lợi nhuận của cả 3 "ông lớn" gồm Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC), Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) và Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đều trong tình trạng âm nặng.

Trong số 3 "ông lớn" trên, thua lỗ ít nhất thuộc về EVN CPC. Nửa đầu năm 2019, tổng công ty này ghi nhận mức lỗ sau thuế 99,8 tỷ đồng, giảm so với mức lỗ 260 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Sở dĩ EVN CPC thua lỗ gần trăm tỷ trong nửa đầu năm bất chấp doanh thu thuần vẫn tăng 20% lên 18.302 tỷ đồng, là do giá vốn cũng như các chi phí ở mức cao, bào mòn toàn bộ doanh thu.

Cụ thể, trong kỳ, giá vốn của EVN CPC tăng tương đương doanh thu thuần (20%), lên 17.443 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính ở mức 390 tỷ đồng (tăng 8,9%), chi phí bán hàng ở mức 257 tỷ đồng (giảm 12%), chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 448 tỷ đồng (tăng 15%).

Ghi nhận mức lỗ cao hơn nhiều EVN CPC là trường hợp của EVN SPC. Mức lỗ sau thuế nửa đầu năm nay của tổng công ty này lên đến 602 tỷ đồng, khác xa mức lãi 131 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự "người anh em miền Trung", doanh thu thuần nửa đầu năm của EVN SPC cũng tăng khá (15%), lên 62.579 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn trong kỳ tăng mạnh hơn (17%) khiến lợi nhuận gộp chỉ còn 1.451 tỷ đồng, giảm tới 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù bù lại, EVN SPC ghi nhận tới 634 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng gấp 3,2 lần nhưng song song, tổng công ty này cũng ghi nhận tới 724 tỷ đồng chi phí tài chính, tăng gấp 3,5 lần. Bên cạnh đó, còn có 923 tỷ đồng chi phí bán hàng (tăng 8,7%) và 1.164 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp (tăng 0,8%).

Những chi phí này đã bào mòn toàn bộ lợi nhuận gộp và doanh thu tài chính của EVN SPC, khiến doanh nghiệp này phải ghi nhận mức lỗ, như đã đề cập, là hơn 600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mức lỗ lớn nhất thuộc về EVN NPC. Doanh nghiệp này lỗ sau thuế 1.140 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019 (cùng kỳ năm ngoái lỗ 111 tỷ đồng).

Doanh thu vẫn là điểm sáng khi tăng 14% lên 56.949 tỷ đồng. Dù vậy, giá vốn tăng 16% đã khiến lợi nhuận gộp nửa đầu năm của EVN NPC giảm 30% xuống còn 1.954 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng công ty này ghi nhận tới 1.111 tỷ đồng chi phí tài chính (tăng 12%); cùng với đó là 1.039 tỷ đồng chi phí bán hàng (tăng 3%) và 1.068 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp (tăng 6,4%). Nghĩa là tổng chi phí lên đến trên 3.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều lợi nhuận gộp, gây ra mức lỗ hơn nghìn tỷ cho EVN NPC.

Trong số 3 tổng công ty điện lực, "đại diện miền Bắc" có tổng tài sản lớn nhất với trên 72.000 tỷ đồng tính đến hết ngày 30/6/2019, kế đến là "đại diện miền Nam" với tổng tài sản 42.000 tỷ đồng. "Đại diện miền Trung" đứng cuối với trên 30.000 tỷ đồng.

Phần lớn tài sản của các "ông lớn" điện lực này được hình thành từ nợ phải trả, như EVN NPC là trên 52.400 tỷ đồng (trong đó trên 35.400 tỷ đồng là nợ vay); EVN SPC là trên 26.300 tỷ đồng (trong đó trên 11.100 tỷ đồng là nợ vay); EVN CPC là trên 20.200 tỷ đồng (trong đó trên 13.500 tỷ đồng là nợ vay).

Tin mới lên