Thị trường

Nỗi lo 'đánh nhầm đối tượng': Ngàn doanh nghiệp kêu cứu chưa được đáp lời

2 năm qua, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước, kể cả doanh nghiệp nhà nước bắt đầu “thấm” những điểm hạn chế của Nghị định 20. Họ không thể ngờ rằng mục tiêu chống chuyển giá tại Nghị định 20 lại khiến doanh nghiệp “nội” lãnh đủ.

Nỗi lo 'đánh nhầm đối tượng': Ngàn doanh nghiệp kêu cứu chưa được đáp lời

Không chỉ điều chỉnh các doanh nghiệp FDI, Nghị định 20 khống chế cả doanh nghiệp "nội"

Doanh nghiệp trong nước chịu trận

Ngay từ khi Nghị định 20/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết ban hành tháng 2/2017 (có hiệu lực tháng 5/2017), nhiều doanh nghiệp trong nước đã “hốt hoảng” khi nhận ra đối tượng bị điều chỉnh lại là cả các doanh nghiệp Việt, chứ không đơn thuần là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Lý do là khoản 3 Điều 8 Nghị định này lại quy định về việc khống chế lãi tiền vay không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ (tức lợi nhuận thuần trước chi phí lãi và khấu hao) áp dụng cho tất cả khoản vay từ bên liên kết hay bên độc lập và ngân hàng.

Có nghĩa, doanh nghiệp A. hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con có lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí là 100 đồng thì tổng chi phí lãi vay không được quá 20 đồng. Nếu vượt quá mức này thì chi phí lãi vay đó không được tính là chi phí hợp lệ và không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ví dụ, nếu doanh nghiệp lập một dự án đầu tư với tỷ lệ 30% vốn tự có, 70% vốn đi vay thì đương nhiên chi phí lãi vay sẽ là rất lớn. Nghị định 20 chống chuyển giá lại khống chế lãi vay chỉ chiếm 20% so với lợi nhuận thuần cộng với chi phí khấu hao thì sẽ là rất ít. Tùy loại hình doanh nghiệp nhưng cơ bản thì lợi nhuận thuần cộng chi phí lãi vay của doanh nghiệp gọi là làm ăn tốt nhất cũng chỉ ở mức 30% của doanh thu. Giờ lãi vay được trừ chỉ bằng 20% của lợi nhuận thuần ấy thì quả là con số khá nhỏ.

Do đó, việc đưa quy định này vào trong Nghị định về giao dịch liên kết đã gây ra rất nhiều vướng mắc và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam còn mỏng vốn.

Hệ quả đã được “đo đếm” bằng con số cụ thể khi thống kê báo cáo tài chính năm 2017, 2018 của hơn 770 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán TP. HCM và Hà Nội. Cụ thể, phần lớn các công ty bị ảnh hưởng khi áp dụng theo khoản 3 điều 8 của Nghị định 20. Nếu tính thêm các doanh nghiệp chưa niêm yết, con số này có thể lớn hơn, lên tới hàng nghìn doanh nghiệp.

Điển hình là năm 2017 phát sinh 259 công ty đại chúng bị tác động với số chi phí lãi vay vượt mức khống chế 20% EBITDA là 7.995 tỷ đồng, trong đó có 28 doanh có có EBITDA nhỏ hơn 0 với số chi phí lãi vay không được khấu trừ là 430 tỷ đồng;

Năm 2018 phát sinh 294 công ty đại chúng bị tác động với số chi phí lãi vay vượt mức khống chế 20% EBITDA là 8.351 tỷ đồng, trong đó có 38 doanh nghiệp có EBITDA nhỏ hơn 0 với số chi phí lãi vay không được khấu trừ là 676 tỷ đồng.

Trong đó đáng lưu ý đối tượng bị ảnh hưởng đa số bao gồm doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty trong nước, là những đối tượng có rất ít động cơ, khả năng để chuyển giá (mục tiêu mà Nghị định 20 nhắm đến).

Đó mới chỉ là thống kê các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Còn nếu tính các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trong toàn nền kinh tế, thì đó sẽ là con số khổng lồ, bao gồm cả các tập đoàn lớn của tư nhân cũng như doanh nghiệp nhà nước.

Chưa được đáp lời

Suốt từ 2018 đến nay, hàng chục tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã có đơn “kêu cứu” gửi đến Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đề nghị gỡ khó khẩn cấp cho doanh nghiệp.

Không khó để điểm tên các “ông lớn” doanh nghiệp nhà nước gửi đơn kêu tới cơ quan chức năng. Đó là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty xi măng Việt Nam, Tổng công ty lắp máy Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam,...

Nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng gặp khó.

Nghị định 20 vẫn đang được triển khai, nhiều DN vẫn bị quy định “khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp” cắt vào “da thịt”.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam từng lo ngại: Nếu tính giới hạn chi phí lãi vay như quy định tại Nghị định 20 sẽ ảnh hưởng đến tình hình tài chính của EVN và các Tổng công ty (đặc biệt là các Tổng công ty phát điện) là rất lớn, gây khó khăn trong cân đối vốn đầu tư của EVN.

Theo EVN, trong trường hợp phải áp dụng quy định này tại EVN và các đơn vị thành viên, các Tổng công ty phát điện phát sinh số thuế TNDN phải nộp tăng rất lớn. Cụ thể: EVN GENCO 1 nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tăng khoảng 339 tỷ đồng; EVN GENCO 3 tăng khoảng 212 tỷ đồng.

Tổng công ty Lắp máy Việt Nam cho biết: Nếu thực hiện theo quy định mới về chi phí lãi vay như trên, LILAMA lo lắng tình hình tài chính của tổng công ty sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Từ đó LILAMA cảnh báo: “Có những công ty dương lợi nhuận kế toán trước thuế nhưng sau khi nộp thuế TNDN sẽ âm lợi nhuận và có những công ty âm lợi nhuận kế toán trước thuế vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, dẫn đến tăng lỗ nhiều hơn”.

Trước tác động không ngờ của Nghị định 20, Hiệp hội bất động sản Việt Nam đã tổ chức cả một hội thảo để mổ xẻ về quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thẳng thắn nhận xét: Quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014; mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của doanh nghiệp.

Trước hết, Điều 7 Luật Doanh nghiệp quy định quyền của doanh nghiệp được "tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm". Quy định giới hạn chi phí lãi vay của Nghị định 20 chưa phù hợp với nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh.

Ngoài ra, vay vốn là nhu cầu thực tế, thường xuyên của doanh nghiệp nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh đặc biệt với những ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài như đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản, khởi nghiệp,... sẽ càng gặp khó khăn khi chi phí lãi vay nhiều lại không được khấu trừ thuế. Bởi khi đó, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết sẽ bị tính thành 2 lần.

Đặc biệt lo ngại là, quy định của Nghị định 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế với mô hình công ty mẹ - con đang phát triển mạnh ở nước ta.

Đại diện Hiệp hội bất động sản Việt Nam kiến nghị quy định khống chế chi phí lãi vay trong Nghị định 20 cần được sửa đổi theo tinh thần tôn trọng quyền tự do kinh doanh và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Nhưng đến nay, đáp lại những tiếng kêu của doanh nghiệp, mọi thứ vẫn chưa có một hướng mở nào rõ ràng!

Tin mới lên