Thị trường

Ninh Thuận: Gỡ vướng cho một số dự án điện gió, điện mặt trời chậm tiến độ

Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, ông Phạm Văn Hậu yêu cầu phải xử lý dứt điểm những vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh.

Ninh Thuận: Gỡ vướng cho một số dự án điện gió, điện mặt trời chậm tiến độ

Ninh Thuận: Gỡ vướng cho một số dự án điện gió, điện mặt trời chậm tiến độ.

Ông Phạm Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có buổi làm việc để nghe báo cáo tiến độ triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời vào quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất hơn 1.966 MW, UBND tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 31 dự án với quy mô công suất 1.816,79 MW, tổng vốn đăng ký 49.997 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2019, tỉnh có 15 dự án điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư, đưa vào vận hành thương mại; 9 dự án đã tiến hành khởi công và 7 dự án đang hoàn tất thủ tục để khởi công.

Đối với dự án điện gió, trên cơ sở quy hoạch phát triển điện gió tỉnh đã được Bộ Công thương phê duyệt, UBND tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 13 dự án với quy mô công suất 681,25 MW, tổng vốn đăng ký 25.855 tỷ đồng. Hiện có 3 dự án đã hoàn thành đầu tư đưa vào hoạt động.

Các doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời và điện gió trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cho biết đang gặp vướng mắc khâu đền bù giải phóng mặt bằng; đất dự án liên quan đất rừng; chưa hoàn thành thỏa thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện với EVN… dẫn đến một số dự án chậm triển khai theo cam kết với tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận cũng khẳng định vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng khó khăn là do một số hộ dân chưa đồng thuận với chính sách hỗ trợ liên quan đến các quy định đền bù, hỗ trợ về đất vượt định mức; tài sản, công trình xây dựng trên đất sản xuất nông nghiệp.

Do đó, lãnh đạo Sở đề nghị các doanh nghiệp cũng nên xem xét, đánh giá thực tế để có thêm một phần hỗ trợ phù hợp với chính sách đền bù cho người dân trong vùng dự án.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận, bên cạnh một số nguyên nhân khách quan dẫn đến chậm tiến độ của một số dự án điện mặt trời, điện gió thì hiện trên địa bàn tỉnh có 4 dự án chậm tiến độ trên 12 tháng, Sở đã kiểm tra hiện trạng, lập biên bản và đang tiến hành lập cơ sở pháp lý, tham mưu UBND tỉnh chấm dứt hoạt động nếu đủ điều kiện.

Ông Phạm Văn Hậu chia sẻ các khó khăn với doanh nghiệp, yêu cầu các sở ngành tập trung xử lý dứt điểm vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án.

Tuy nhiên, một số dự án nhà đầu tư chưa thật sự quyết tâm, nhiều dự án dù đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa có động thái thực hiện, trong khi chính sách ưu đãi về giá điện đối với các dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận đến năm 2020 là kết thúc. Do đó, Phó chủ tịch UBND Ninh Thuận tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục theo dõi hỗ trợ, đôn đốc xử lý các dự án vi phạm tiến độ đầu tư theo quy định.

Tin mới lên