Tài chính quốc tế

Những thương vụ mua nhà Mỹ triệu đô của đại gia Việt

(VNF) - Sự kiện các đại gia Việt có thể mua nhà cửa, thậm chí cả cơ sở thương mại tại Mỹ cho thấy chính sách mua bán bất động sản của Mỹ rất mở cho người nước ngoài.

Những thương vụ mua nhà Mỹ triệu đô của đại gia Việt

Báo cáo "Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017" của Hiệp hội Các nhà môi giới bất động sản Mỹ (NAR). cho biết trong năm tài chính vừa qua (tính từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017), người nước ngoài đã chi 153 tỷ USD để mua 284.455 bất động sản tại Mỹ.

Trong đó, số tiền người Việt bỏ ra chiếm 2%, tương đương 3,06 tỷ USD, tương đương hơn 68.000 tỷ đồng. Và từ năm 2007, Việt Nam đã là một trong những nước đứng đầu mua nhà ở Mỹ, mỗi năm trừ 2009 và 2012 chiếm 1%. Số tiền mua nhà đổ vào ngày càng mạnh, khi năm nay tăng gấp 3 lần so với năm ngoái là 1 tỷ USD (1%). 

Trên thực tế, tình trạng mua nhà của người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là Mỹ vẫn diễn ra nhiều năm nay, với nhiều căn nhà có giá lên tới triệu USD. Đặc biệt, dù quy định của Việt Nam, cá nhân ra nước ngoài chỉ được phép mang không quá 5.000 USD/người khi xuất cảnh, thì vẫn có hàng trăm người chuyển được tiền tỷ mua nhà.

Căn cứ vào số liệu của NAR, giá nhà trung bình mà công dân nước ngoài đã chi trong năm qua là 302.290 USD cho một đơn vị, cao hơn giá cho toàn nước Mỹ là 235.792 USD.

Với số tiền công dân Việt đã chi là hơn 3 tỷ USD thì số tiền này mua được khoảng 10 nghìn đơn vị gia cư trong năm qua. Chuyện người Việt mua nhà hay cơ sở thương mại tại Mỹ đã có từ nhiều năm qua.

Một bài viết trên chuyên trang Bizjournals của tờ American City Business Journals đăng tháng 11/2014 cho hay, ông Trầm Bê - một đại gia của Việt Nam, đã bỏ ra khoảng 64 triệu USD để sở hữu một phần khu mua sắm Vallco Shopping Mall vào năm 2009. Ngay sau đó, rất nhiều công ty của Mỹ đã cố gắng thương lượng trong suốt nhiều năm, nhằm mua lại phần vốn này nhưng không thành công, trong đó có cả ông lớn công nghệ Apple.

Năm 2014, ông chuyển nhượng lại khu thương mại này với giá 116 triệu USD. Như vậy sau 5 năm nắm giữ khoản đầu tư tại Vallco Shopping Mall, ông Trầm Bê đã thu về khoản chênh lệch lên tới 50 triệu USD. 

Hình ảnh trung tâm thương mại Vallco Shopping Mall thời điểm đại gia Trầm Bê chốt xong thương vụ.

Vallco Shopping Mall (thường được biết dưới tên Cupertino Square hoặc Vallco Fashion Park) là một khu trung tâm mua sắm 3 tầng, tọa lạc tại Cupertino, California (Mỹ), hoạt động từ những năm 1960.

Bắt đầu tham gia lĩnh vực bất động sản cách đây gần 20 năm, ông Trầm Bê đầu tư vào Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI) với vai trò là thành viên Hội đồng Quản trị (1999). Vào thời kỳ này, việc đầu tư bất động sản khá dễ dàng, quỹ đất còn nhiều cộng với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đang ở mức cao. Nhờ đó, BCCI đã không ngừng ăn nên làm ra.

Doanh nhân Trầm Bê.

Doanh nhân này còn sở hữu một trong những bệnh viên đa khoa quy mô lớn nhất là Bệnh viện Triều An, Công ty Thương mại Vàng bạc đá quý Phương Nam (NJC), Công ty Cổ phần Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn. Ông cũng là cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài gòn Thường tín (Sacombank). Gia đình ông Trầm Bê cũng sở hữu tỷ lệ trên 20% cổ phần Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southernbank) trước khi ngân hàng này sáp nhập vào Sacombank năm 2015. Ông rời Sacombank vào cuối năm 2015.

Một đại gia khác là Phạm Đình Nguyên – Tổng giám đốc Công ty PhinDeli Việt Nam, năm 2012 đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước khi đấu giá thành công Buford – thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ thuộc bang Wyoming với giá 900.000 USD.

Budford của tiểu bang Wyoming nằm trên xa lộ 80, là đường xuyên bang từ San Francisco đến New York. Thị trấn nhỏ này được biết đến là nơi có dân số ít nhất nước Mỹ, chỉ vỏn vẹn có một cư dân.

Buford được coi là thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ với tổng diện tích 4 ha.

Mua được Buford, Phạm Đình Nguyên trở thành người sở hữu cây xăng, cửa hàng tiện lợi, một trường học xây năm 1905 được cải tạo thành văn phòng, một tháp phát sóng điện thoại, một nhà để xe, một nhà kho, một căn nhà ba phòng ngủ và mã bưu chính riêng của thị trấn.

Hiện sống ở TP. HCM, ông Nguyên mua lại Buford với mục đích bán sản phẩm cà phê đặc sản cho người Mỹ. 

Ông Nguyên mua lại Buford với mục đích bán sản phẩm cà phê đặc sản cho người Mỹ. 

Sự kiện các đại gia Việt như ông Trầm Bê hay ông Phạm Đình Nguyên có thể mua được bất động sản, thậm chí cả cơ sở kinh doanh tại Mỹ cho thấy chính sách mua bán nhà cửa, cơ sở thương mại tại Mỹ rất mở cho người nước ngoài.

Theo ông Lawrence Yun, kinh tế gia hàng đầu của NAR, đầu tư vào Mỹ vẫn có lợi vì đất nước này là nơi an toàn để sống, làm việc và đầu tư. So sánh với các nước tư bản phát triển khác, Mỹ vẫn luôn mở cửa chào đón những ai có thể đem tiền hay đem trí tuệ vào đầu tư và lập nghiệp.

Không chỉ riêng Mỹ mà các nước khác như Canada hay Úc, Anh cũng được người Việt quan tâm. Tại một số nước, thủ tục nhập cư không quá khắt khe, họ còn mời gọi người nước ngoài sang đây để định cư.

Cách đây vài năm, Savills Việt Nam từng chào bán 155 căn hộ cao cấp tại Anh cho người Việt. Nhiều hãng tư vấn di trú quốc tế tham gia thị trường Việt Nam và hoạt động một cách tích cực để phục vụ các khách hàng tiềm năng. 

Một công ty chuyên về đầu tư định cư tại Mỹ, Canada, EU từng tổ chức một tọa đàm về chương trình đầu tư định cư Mỹ EB-5 với lời mời hấp dẫn: Chỉ cần đầu tư 500.000USD vào Mỹ sẽ được cấp "thẻ xanh".

Hiện số người giàu và siêu giàu ở Việt Nam đang tăng lên nhưng rất ít thông tin về tài sản, các giao dịch được công bố và giải trình đầy đủ.

Cuối 2014, một ngân hàng Thụy Sĩ có báo cáo về người siêu giàu trên thế giới với tài sản tối thiểu mỗi người là 30 triệu USD (khoảng 640 tỷ đồng). Trong đó, Việt Nam có 210 đại diện với tổng tài sản trị giá 20 tỷ USD, tăng gần gấp đôi cả về số lượng và giá trị so với 2011.

Tuy nhiên, cho tới giờ, ngoài khoảng 40 người có tài sản là cổ phiếu niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán trị giá trên 640 tỷ đồng thì đa số những cái tên trong danh sách vẫn điều bí ẩn.

Tin mới lên