Tài chính

Nhựa Bình Minh bị phạt và truy thu thuế hơn 11 tỷ đồng

(VNF) - Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) vừa công bố thông tin về việc xử lý vi phạm về thuế qua thanh tra năm 2016 của Đoàn Thanh tra Tổng cục thuế.

Nhựa Bình Minh bị phạt và truy thu thuế hơn 11 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh bị phạt và truy thu thuế hơn 11 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Theo kết luận thanh tra, tổng số tiền truy tru, tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp tiền thuế của BMP là 11,47 tỷ đồng; đồng thời điều chỉnh giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ đến hết ngày 31/12/2016 chuyển kỳ sau số tiền hơn 719 triệu đồng.

Cụ thể, số thuế GTGT truy thu gần 1,5 tỷ đồng; số thuế TNDN truy thu 5,3 tỷ đồng; số thuế TNCN truy thu hơn 2 tỷ đồng; số tiền xử phạt vi phạm hành chính hành vi kê khai sai gần 1,8 tỷ đồng; số tiền chậm nộp thuế gần 873 triệu đồng và điều chỉnh giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ 719 triệu đồng.

BMP không phải là doanh nghiệp duy nhất bị truy thu thuế trong đợt thanh tra kỳ thuế vừa qua của Tổng cục thuế. Ngay từ đầu năm 2018, hàng loạt doanh nghiệp cho biết đã nhận quyết định xử lý vi phạm thuế với số tiền cao nhất lên tới cả trăm tỷ đồng.

Cụ thể, trước đó, PV GAS đã nhận quyết định xử lý vi phạm hành chính từ Tổng cục Thuế với số tiền phải nộp ngân sách Nhà nước gần 106 tỷ đồng. Công ty cổ phần Dược Hậu Giang – doanh nghiệp dẫn đầu thị phần ngành dược cũng bị truy thu và nộp phạt hơn 30 tỷ đồng theo yêu cầu của cơ quan thuế do hành vi kê khai sai. Nhiều doanh nghiệp khác cũng bị phạt thuế hàng tỷ đồng như Tập đoàn Công nghệ CMC, Tập đoàn Đầu tư Thăng Long, Quốc tế Sơn Hà…

Trả lời báo chí về việc cơ quan thuế liên tiếp công bố quyết định xử lý vi phạm, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng Cục Thuế) cho rằng nguyên nhân chủ yếu đến từ việc doanh nghiệp không hiểu rõ quy định pháp luật trong nhiều tình huống khác nhau. Đơn cử như việc phụ thuộc vào đơn vị tư vấn thuế nên lười cập nhật chính sách mới, dẫn đến hàng loạt sai phạm nếu đối tác sơ suất.

"Doanh nghiệp nói cơ quan thuế không phổ biến cặn kẽ nên chậm cập nhật chính sách là đúng, nhưng đó là thời điểm 10 năm về trước. Chúng tôi đã xây dựng và sử dụng nhiều kênh truyền thông để tiếp cận doanh nghiệp ngay cả trước và sau khi ban hành thông tư mới nên phần lớn vi phạm hiện nay đều có chủ đích", ông Phụng nói và cho biết thêm, không chỉ riêng trong giai đoạn cuối năm 2017 mà hiện nay, cơ quan thuế vẫn đang tích cực thanh tra "những con cá lớn" nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp lách luật, gây thất thu ngân sách.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2017 vừa được công bố của BMP, doanh thu thuần bán hàng của Công ty đạt 1.205 tỷ đồng, tăng 45,2% so với cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ giảm một nửa, còn 11,5 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính lại tăng vọt gấp 3 lần, lên 34 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm 2017, BMP đạt doanh thu thuần 3.824 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận gộp biên chỉ ở mức 24%, giảm mạnh so với mức 32% trong năm 2016 đã ảnh hưởng nặng nề tới lợi nhuận của doanh nghiệp.

Theo đó, kết thúc năm 2017, BMP chỉ đạt lợi nhuận tước thuế 583 tỷ đồng, giảm tới 25,6% so với mức đạt được trong năm 2016. Với kết quả này, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành 94,4% kế hoạch doanh thu và 83,3% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại ngày 31/12/2017, tổng tài sản của BMP ở mức 2.865 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 63,2% tổng tài sản, tập trung chủ yếu tại khoản tiền gửi ngân hàng (893 tỷ đồng), khoản phải thu ngắn hạn (502 tỷ đồng) và hàng tồn kho (385 tỷ đồng). Tài sản dài hạn hơn 1.054 tỷ đồng, chiếm 36,8%. Mặt khác, BMP đang khoản nợ phải trả là hơn 409 tỷ đồng, toàn bộ là nợ vay ngắn hạn. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ở mức 16,7%.


Tin mới lên