Ngân hàng

Nhóm NHTM cổ phần bất ngờ vượt trần LDR

(VNF) – Nhóm NHTM cổ phần vừa bất ngờ "tiếp bước" nhóm NHTM Nhà nước trong việc vượt trần LDR. Điều này đặt các NHTM vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan".

Nhóm NHTM cổ phần bất ngờ vượt trần LDR

Tình trạng vượt trần LDR đang đặt các NHTM vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan"

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) tính đến hết tháng 12/2016, theo đó, LDR tính trên toàn hệ thống các TCTD ở mức 87,74%, tăng tới 1,02 điểm% so với một tháng trước đó. Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp, LDR toàn hệ thống TCTD gia tăng, phần nhiều là do các TCTD "thúc" mạnh tăng trưởng tín dụng cuối năm nhằm đạt chỉ tiêu 17 – 18% cả năm mà NHNN đặt ra.

LDR toàn hệ thống

LDR tính đến hết tháng 12/2016 của toàn hệ thống

Đáng chú ý hơn, LDR ở nhóm NHTM cổ phần bất ngờ vượt trần quy định 80% của NHNN, đạt mức 81,04% tính đến hết tháng 12/2016, tăng tới 1,67 điểm% so với một tháng trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên LDR của nhóm NHTM cổ phần vượt trần 80%, kể từ khi NHNN bắt đầu công bố công khai LDR vào tháng 6/2015.

LDR càng cao thì khả năng sinh lời của ngân hàng càng lớn, nhưng đánh đổi là rủi ro thanh khoản cũng cao hơn, bởi tín dụng được coi là tài sản kém linh hoạt nhất trong số các tài sản sinh lời của ngân hàng nhưng lại là tài sản sinh lời chính. LDR tăng, năng lực bảo vệ mình trước nguy cơ rút tiền gửi đột ngột sẽ giảm tương ứng.

LDR NHTM cổ phần

LDR tính đến hết tháng 12/2016 của nhóm NHTM cổ phần

Trong khi đó, LDR ở nhóm NHTM Nhà nước tính đến hết tháng 12/2016 dù đã giảm nhẹ 0,14 điểm% so với tháng 11/2016 nhưng vẫn tiếp tục vượt trần quy định 90% của NHNN.

Khối NHTM Nhà nước ở đây bao gồm: Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, Ngân hàng Chính sách xã hội, CBBank, GPBank và OceanBank.

LDR NHTM Nhà nước

LDR tính đến hết tháng 12/2016 của nhóm NHTM Nhà nước

Việc LDR ở cả nhóm NHTM cổ phần và NHTM Nhà nước đều vượt trần quy định cho thấy động thái vượt trần LDR ở các NHTM dường như đã trở lên phổ biến, là tín hiệu cảnh báo rất đáng chú ý cho thanh khoản của các NHTM nói riêng và hệ thống TCTD nói chung.

Tất nhiên, với mức vượt trần hiện nay, cộng với thanh khoản hệ thống TCTD vẫn khá dồi dào, sẽ chưa có ảnh hưởng gì đáng kể trong thanh khoản chung của hệ thống TCTD. Tuy nhiên, việc giảm LDR tại các NHTM vẫn là việc cần phải làm ngay lúc này.

Trước mắt, trong vài tháng đầu năm 2017, các NHTM vẫn phải tiếp tục duy trì tăng trưởng tín dụng cao hơn cùng kỳ các năm trước theo chỉ đạo của Thủ tướng. Điều này nghĩa là, lựa chọn của các NHTM sẽ phải là tăng mạnh lượng tiền gửi, tạo thêm áp lực gia tăng lãi suất huy động. Đây là điều các NHTM không mong muốn ở thời điểm này, bởi lãi suất huy động tăng, lợi nhuận các NHTM sẽ bị teo tóp đi, khiến các NHTM buộc phải nghĩ đến chuyện gia tăng lãi suất cho vay.

Tình thế "tiến thoái lưỡng nan" này đặt các NHTM vào cuộc chiến lãi suất khốc liệt hơn với lợi thế nghiêng về một số NHTM sở hữu LDR thấp hơn mặt bằng chung.

Tin mới lên