Nhìn lại những diễn biến chính trong vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình

Tào Minh - 13/04/2019 07:08
(VNF) – Kể từ khi rời Việt Nam, ông Trịnh Vĩnh Bình đã có 2 lần đâm đơn kiện Chính phủ Việt Nam tại tòa quốc tế.
1
Ông Trịnh Vĩnh Bình

Như VietnamFinance đã thông tin, tối 12/4, Bộ Tư pháp Việt Nam đã phát đi một thông cáo về vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình.

Thông cáo của Bộ Tư pháp phát đi trong bối cảnh mạng xã hội lan truyền thông tin ông Trịnh Vĩnh Bình đã thắng kiện Chính phủ Việt Nam. Theo đó, Chính phủ Việt Nam phải bồi thường cho ông Bình 37,5 triệu USD và nộp án phí 7,9 triệu USD.

"Hiện nay, một số trang thông tin điện tử và mạng xã hội đưa tin, phản ánh không chính xác nội dung của Phán quyết cùng với những diễn giải, suy đoán chủ quan gây hiểu nhầm trong dư luận”, thông cáo của Bộ Tư pháp viết.

Xem thêm >>> Bộ Tư pháp lên tiếng về thông tin ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện Chính phủ Việt Nam

Vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình là một trong những vụ kiện hi hữu nhất mà Chính phủ Việt Nam phải đối diện. Nếu tính từ lần khởi kiện đầu tiên của ông Bình, vụ kiện này đã kéo dài tới 16 năm.

Bối cảnh đưa đến vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình

Cuối thập niên 80, ông Trịnh Vĩnh Bình, một Việt kiều có quốc tịch Hà Lan, đã mang theo tiền và vàng về Việt Nam đầu tư. Do thời điểm đó pháp luật Việt Nam chưa cho phép người nước ngoài (bao gồm cả Việt kiều có quốc tịch nước ngoài) đứng tên mua nhà/chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên ông Bình đã nhờ người thân đứng tên giúp đất đai, nhà cửa trong nước.

Từ năm 1987 đến 1996, ông Bình đã đầu tư, mua hơn 284 ha đất, 2 cơ sở sản xuất và 11 căn nhà ở các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai và TP. HCM.

Tháng 12 năm 1996, chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã bắt giữ ông Trịnh Vĩnh Bình vì ông "vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai" và "đưa hối lộ".

Tại Việt Nam, ông Bình đã lập 2 công ty là: Công ty TNHH Tín Thành, Công ty Cổ phần Bình Châu chuyên mua bán nông, thủy hải sản tại Vũng Tàu với 12 cổ đông, song ông Bình bỏ vốn 100%. Doanh nhân này chỉ đạo nhân viên làm giả hộ khẩu cho hàng loạt người thân tại TP. HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu để đứng tên nhà đất mua được và nhận đất trồng rừng trái pháp luật.

Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định năm 1992, ông Bình và một số nhân viên đưa hối lộ 510 triệu đồng cho Tạ Quang Luyện (cán bộ Công ty Phát triển nhà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Văn Huế (cán bộ Chi nhánh Phát triển kinh tế nông thôn phía Nam) để mẹ và các em vợ được nhận hơn 500 ha đất trồng rừng. "Không đầu tư trồng rừng như cam kết, 400 ha đất bị chính quyền thu hồi nhưng khi bán số đất còn lại ông Bình đã thu được hơn 6 tỷ đồng".

Với các cáo buộc khác nhau, Tòa sơ thẩm năm 1998 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã kết án ông Bình 13 năm tù giam, phạt tiền 400 triệu đồng, tịch thu các tài sản sang nhượng bất hợp pháp.

Trong đơn kháng cáo kêu oan sau đó, ông Bình cho rằng "mang vàng, ngoại tệ về Việt Nam là để đầu tư; việc đầu tư thông qua người thân là hợp pháp". Tuy nhiên, tòa phúc thẩm tại TP. HCM xác định "hành vi mua bán đất đai trái phép của ông Bình không được coi là đầu tư".

Dù vậy, tòa phúc thẩm tại TP. HCM đã giảm án phạt cho ông Bình xuống 11 năm tù.

Đối với phần tài sản, tờ Thanh Niên dẫn quyết định của Tòa phúc thẩm như sau: "Hủy bỏ các quyết định giao đất cũng như giao dịch sang nhượng mà ông Bình mượn danh nghĩa người khác để mua bán trái phép; giao toàn bộ diện tích đất cho UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và UBND tỉnh Đồng Nai quản lý" (cụ thể 1,64 triệu m2 đất nuôi trồng thủy sản cùng 26 quyền sử dụng đất với diện tích 577.947 m2 nằm ở Bà Rịa – Vũng Tàu; 9 quyền sử dụng đất với diện tích 341.966 m2 ở Đồng Nai).

Ngoài ra, tòa phúc thẩm còn kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và UBND TP. HCM "xem xét, xử lý theo thẩm quyền các nhà xưởng sản xuất và các căn nhà cùng diện tích đất do ông Bình mua trái phép" (cụ thể 2 nhà xưởng rộng 38.992 m2, 8 căn nhà cùng với 24.000 m2 nền nhà ở Bà Rịa – Vũng Tàu; nhà số 286, 286B và 288 đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP. HCM). 

Sau phán quyết này, ông Bình bất ngờ rời khỏi Việt Nam để trở về Hà Lan. Tại đây, ông xúc tiến vụ kiện đối với Chính phủ Việt Nam.

Nhìn lại những diễn biến chính trong vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình
Ông Trịnh Vĩnh Bình tại phiên tòa phúc thẩm

 

Lần kiện thứ nhất

Năm 2003, với sự giúp đỡ của hãng luật Covington Burling (Mỹ), ông Trịnh Vĩnh Bình đã đâm đơn kiện Chính phủ Việt Nam, dựa theo quy định tại (khoản 4) Điều 9 của Hiệp định Việt Nam - Hà Lan, tại Trung tâm Quốc tế Giải quyết các Tranh chấp về Đầu tư (ICSID) – Stockholm (Thụy Điển).

Theo đơn kiện khi đó, ông Bình yêu cầu phía Việt Nam phải bồi thường số tiền hơn 100 triệu USD.

Phiên tòa được mở vào cuối năm 2005, tuy nhiên đến năm 2006, ông Bình bất ngờ được Chính phủ miễn chấp hành hình phạt tù trước đó, cho về Việt Nam và xem xét giải quyết trả một số tài sản hợp pháp. Theo một số nguồn tin, đây là kết quả của một thỏa thuận giữa ông Bình và Chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, do sai phạm của một số cá nhân tại cơ quan thi hành án ảnh hưởng đến tài sản của ông Bình nên việc này chưa được thực hiện.

Lần kiện thứ hai

Tháng 1/2015, ông Bình tiếp tục đâm đơn kiện Chính phủ Việt Nam, đòi bồi thường 1,25 tỷ USD. Phiên tòa lần này diễn ra tại Trung tâm trọng tài Quốc tế ICC ở Paris, Pháp từ ngày 21/8/2017.

Các chi tiết của phiên tòa không được đề cập. Tuy nhiên, vào tháng 4/2019, một số trang thông tin và mạng xã hội lan truyền thông tin Tòa án Quốc tế đã tuyên ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện và buộc Chính phủ Việt Nam phải bồi thường tới 37,5 triệu USD.

Tuy nhiên, trong thông cáo của mình, Bộ Tư pháp Việt Nam chưa khẳng định thông tin trên là xác thực.

Bộ này cho hay "đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và Công ty Luật đại diện cho Chính phủ Việt Nam nghiên cứu kỹ nội dung Phán quyết để thực hiện các bước tiếp theo phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích của Chính phủ Việt Nam".

Quảng cáo