Tài chính

Nhiều bộ ngành, địa phương không muốn 'nhả' doanh nghiệp về SCIC

SCIC cho biết dù đã chủ động, thường xuyên đôn đốc, làm việc trực tiếp với các bộ, địa phương tuy nhiên tiến độ chuyển giao vốn nhà nước từ bộ ngành, địa phương về SCIC còn chậm.

Nhiều bộ ngành, địa phương không muốn 'nhả' doanh nghiệp về SCIC

Nhiều bộ ngành, địa phương không muốn 'nhả' doanh nghiệp về SCIC.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí diễn ra ngày 8/8, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết hiện có tình trạng nhiều bộ ngành, địa phương không muốn triển khai thực hiện bàn giao về cho SCIC.

“Ví dụ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tới giờ chưa bàn giao được. Mục tiêu đặt ra làm trong tháng 5 nhưng vướng chỗ nọ chỗ kia, sau phải báo cáo Bộ Tài chính. Lẽ ra Bộ Nông nghiệp quyết làm xong thủ tục doanh nghiệp nào thì bàn giao nhưng họ bảo không, bàn giao thì phải bàn giao cả gói”, ông Chi cho biết.

Ông cũng dẫn trường hợp Bộ Công Thương và cho biết: “Chúng tôi cũng làm nhiều lần như dệt may xong hết thủ tục rồi chờ Bộ nhưng chưa được ký, Tổng công ty thép cũng thế".

“Về phía SCIC thì chúng tôi rất tích cực nhưng SCIC vị thế là một doanh nghiệp, làm việc với bộ ngành, địa phương đang là chủ chỗ đó thì quyền thuộc về phía bàn giao, chúng tôi không thể buộc người ta bàn giao”, ông nói.

Ông Chi cũng cho rằng nếu bộ ngành thực hiện nghiêm thì công việc của SCIC sẽ đơn giản hơn. “Hỏi chỉ nhận doanh nghiệp tốt thôi phải không? Tôi xin trả lời là không phải. Nếu có tồn tại tài chính thì chúng tôi quản trị cơ cấu, còn trách nhiệm tồn tại đó không phải của SCIC, chúng tôi không làm ra tồn tại tài chính mà lo”.

Chỉ ra một trường hợp vướng mắc, đại diện SCIC cho biết với những trường hợp doanh nghiệp thua lỗ, mất hết vốn nhà nước thì không biết sẽ nhận và bàn giao kiểu gì.

Báo cáo tại buổi họp, lãnh đạo SCIC cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu cổ tức của SCIC đạt 1.220 tỷ đồng (bằng 49% kế hoạch năm), doanh thu tài chính đạt 715 tỷ đồng, bằng 55% kế hoạch năm.

Trong khi đó, doanh thu bán vốn (bao gồm cả Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh) là 2.669 tỷ đồng, chiếm gần 48% tổng thu thoái vốn của cả nước là 5.598 tỷ đồng, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận sau thuế vào ngân sách nhà nước 1.513 tỷ động, nộp tiền bán vốn tại Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh số tiền 2.182 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, về chuyển giao, theo Quyết định về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định việc các Bộ/UBND tỉnh chuyển giao về SCIC để triển khai bán phần vốn nhà nước tại 62 doanh nghiệp tại 6 Bộ và 16 địa phương với tổng số vốn nhà nước là trên 11.200 tỷ đồng (chiếm 65,3% vốn điều lệ các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao).

SCIC cho biết dù đã chủ động, thường xuyên đôn đốc, làm việc trực tiếp với các Bộ, địa phương, tuy nhiên tiến độ chuyển giao vốn nhà nước từ Bộ ngành, địa phương về SCIC còn chậm.

Lũy kế từ khi ban hành Quyết định 1232 ngày 17/8/2017 đến hết tháng 6/2018, SCIC đã tiếp nhận 25/62 doanh nghiệp theo danh sách chuyển giao với tổng vốn nhà nước là 862,48 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 2.068 tỷ đồng.

Riêng 6 tháng đầu năm 2018, SCIC chỉ tiếp nhận 5/45 doanh nghiệp theo Kế hoạch tiếp nhận năm 2018. Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 37 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 10.113 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 14.721 tỷ đồng tại 5 Bộ và 08 UBND tỉnh.

"Một số doanh nghiệp đã xong hồ sơ để chuyển giao nhưng còn tồn đọng vấn đề tài chính không phù hợp với các quy định của Thông tư số 118/2014/TT-BTC. Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình tiếp nhận vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ các Bộ, địa phương, SCIC đang kiến nghị cần chỉnh sửa các quy định về xử lý tài chính tại Thông tư 118", báo cáo cho hay.

Tin mới lên