Ngân hàng

Nhân viên cốt cán liên tục ra đi, ông chủ PGBank đề nghị nhanh chóng được sáp nhập vào HDBank

(VNF) - Petrolimex, cổ đông lớn nhất sở hữu 40% vốn điều lệ của PGBank, cho biết trong thời gian chờ sáp nhập, nhân sự của PGBank liên tục nghỉ việc, trong đó có nhiều cán bộ chủ chốt. Do đó, Petrolimex đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm xem xét chấp thuận chính thức việc sáp nhập PGBank vào HDBank.

Nhân viên cốt cán liên tục ra đi, ông chủ PGBank đề nghị nhanh chóng được sáp nhập vào HDBank

Nhiều nhân sự cốt cán của PGBank liên tục ra đi trong thời gian chờ sáp nhập

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng về việc chấp thuận sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vào Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank). Petrolimex hiện là cổ đông lớn nhất của PGBank với tỷ lệ sở hữu 40%.

Qua văn bản, lãnh đạo Petrolimex "kêu" về việc nhân sự liên tục ra đi trong thời gian PGBank chờ đợi được sáp nhập đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng này. 

Cụ thể, Chủ tịch Petrolimex Phạm Văn Thanh cho biết, việc tìm kiếm và lựa chọn đối tác sáp nhập đã được Petrolimex và PGBank xúc tiến từ năm 2014. Đến ngày 14/4/2015, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của PGBank đã thông giao dịch sáp nhập PGBank vào VietinBank. Tuy nhiên, giao dịch sáp nhập với VietinBank sau gần 3 năm triển khai không mang lại kết quả đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của PGBank với tư cách là Bên bị sáp nhập.

Sau khi việc sáp nhập PGBank vào VietinBank không thành công, ngày 21/4/2018, ĐHĐCĐ bất thường của PGBank đã thông qua giao dịch sáp nhập với HDBank. Hai ngân hàng này sau đó đã trình Hồ sơ sáp nhập đến Ngân hàng Nhà nước theo quy định hiện hành.

"Do quá trình sáp nhập của PGBank bị trì hoãn, kéo dài khiến nhiều nhân sự đã nghỉ việc, chuyển sang các ngân hàng khác. Việc thiếu hụt nhân sự này ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh bình thường của PGBank", Chủ tịch Petrolimex bày tỏ.

Theo vị lãnh đạo này, thời gian gần đây, giao dịch sáp nhập PGBank vào HDBank đã được triển khai ở các bước công việc cuối cùng, chuẩn bị cho việc bàn giao sáp nhập PGBank vào HDBank. Vì vậy, nhân sự của PGBank tiếp tục có biến động lớn. Nhiều nhân sự tiếp tục nghỉ việc, trong đó có nhiều cán bộ là những cán bộ chủ chốt.

Chủ tịch Petrolimex đánh giá, đợt biến động nhân sự này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của PGBank mà còn phát sinh các rủi ro liên quan đến an toàn hoạt động của PGBank nếu quá trình sáp nhập tiếp tục kéo dài.

"Do đó, Petrolimex đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận chính thức việc sáp nhập PGBank vào HDBank để Petrolimex sớm hoàn thành việc giảm tỷ lệ sở hữu tại PGBank theo Đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng phê duyệt, thực hiện đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ về yêu cầu Petrolimex giảm tỷ lệ vốn tại PGBank", văn bản của Petrolimex nêu.

Ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận nguyên tắc về việc sáp nhập PGBank vào HDBank.

Theo văn bản chấp thuận, PGBank và HDBank có trách nhiệm thực hiện công bố thông tin và các trách nhiệm của tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập theo quy định. Trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày được chấp thuận nguyên tắc, HDBank phải gửi Ngân hàng Nhà nước hồ sơ đề nghị chấp thuận sáp nhập theo quy định.

Theo phương án sáp nhập được cổ đông của hai ngân hàng thông qua vào cuối tháng 4 vừa qua, tỷ lệ hoán đổi dự kiến sẽ là 1 cổ phiếu PGBank đổi lấy 0,621 cổ phiếu HDBank.

Tin mới lên