Tài chính

Nhà thuế 'đòi' ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế đưa quy định ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế khiến dư luận lo lắng.

Nhà thuế 'đòi' ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản

Ảnh minh họa.

Cung cấp thông tin định kỳ

Cụ thể, dự thảo Luật Quản lý thuế đề cập ngân hàng thương mại định kỳ cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế.

Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản của người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý thuế; đồng thời khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...

Thực tế từ nhiều năm trở lại đây, nhờ ngân hàng cung cấp thông tin hỗ trợ, cơ quan thuế đã truy thu thuế nhiều trường hợp. Chẳng hạn, cơ quan thuế phát hiện một cá nhân tại quận Phú Nhuận (TP. HCM) kinh doanh mỹ phẩm trên Facebook với doanh thu chỉ riêng năm 2016 lên 344 tỷ đồng, các năm trước là 95 tỷ và 9,6 tỷ đồng. Cá nhân này đã bị truy thu 9,1 tỷ đồng tiền thuế.

Từ tài khoản cá nhân này, cơ quan thuế còn mời nhiều cá nhân khác lên làm việc và truy thu thêm thuế một vài người. Cũng thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, cơ quan thuế tại TP. HCM phát hiện chỉ riêng một ngân hàng có trụ sở tại TP. HCM trong năm 2016 đã có 15.088 người mua dịch vụ của Google với 248.396 giao dịch, tổng số tiền thanh toán 222,4 tỷ đồng và Facebook là 15.637 người cho 175.391 giao dịch với tổng số tiền 450,4 tỷ đồng.

Mới nhất, cơ quan thuế phát hiện trường hợp một cá nhân sống tại Quảng Nam nhận được thu nhập 727.000 USD (tương ứng 17 tỷ đồng) từ Google trong giai đoạn từ 2014 - 2017 nhưng không nộp thuế... Thế nhưng, việc quy định phải cung cấp thông tin định kỳ lại khác.

Coi chừng tình trạng bán thông tin khách hàng

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, nhận xét việc cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho phía cơ quan thuế thật sự là gánh nặng cho phía ngân hàng. Nếu quy định này được áp dụng, nhu cầu cung cấp thông tin cho cơ quan thuế ngày càng cao sẽ tạo thêm chi phí cho các ngân hàng.

Việc chia sẻ thông tin giữa cơ quan thuế và ngân hàng thương mại trong quản lý thuế là cần thiết nhưng cần có hệ thống kết nối dữ liệu để không tạo thêm chi phí cho phía ngân hàng. Hơn nữa, dự thảo cần nêu rõ ai được phép truy cập dữ liệu này, nếu không tình trạng bán thông tin khách hàng sẽ xảy ra.

Hiện nay, cơ quan công an điều tra khi cần nắm thông tin tài khoản của cá nhân nào tại ngân hàng sẽ chuyển công văn đề nghị kèm theo lý do. Còn trong trường hợp này, ngân hàng thương mại phải cung cấp luôn cả nội dung giao dịch của tài khoản cho cơ quan thuế là điều cần xem xét lại. Bởi tài khoản giao dịch của khách hàng là bí mật nên nếu cần thì quy định chỉ nên cung cấp số dư tài khoản.

Luật sư Bùi Quang Tín, Đoàn luật sư TP. HCM, cho rằng trong các quy định hiện nay, cao nhất là Hiến pháp đều đề cập đến thông tin khách hàng cần được bảo mật. Dự thảo đề cập ngân hàng thương mại cung cấp thông tin định kỳ cho cơ quan thuế, nhưng cung cấp thông tin như thế nào, được phối hợp ra sao, thủ tục chi phí phát sinh và ai chịu... Cơ quan thuế không thể đẩy hết tất cả cho phía ngân hàng thương mại thực hiện công việc của mình.

Họ có nhu cầu nắm bắt thông tin nhưng nếu không quy định rõ sẽ dễ dẫn đến việc thực hiện tùy tiện. Đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều trường hợp tài khoản của khách hàng bị mất tiền đang khá nhạy cảm thì liệu khi nguồn thông tin tài khoản khách hàng bị lộ ra ngoài, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Hơn nữa, đề án thanh toán không dùng tiền mặt đang khá tích cực hiện nay thì việc cung cấp toàn bộ thông tin tài khoản của khách hàng tại ngân hàng thương mại cho cơ quan thuế không khéo sẽ tạo tâm lý hoang mang thêm.

Tin mới lên