Nhà đầu tư Singapore sẽ rót 200 triệu USD vào dự án dệt nhuộm tại Nghệ An

Hoàng Lan - 15/02/2019 11:22
(VNF) - Công ty Royal Pagoda Private Limited của Singapore sẽ đầu tư hơn 200 triệu USD (4.649 tỷ đồng) vào Dự án dệt nhuộm Vinhtech tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An.
1
Khu công nghiệp VSIP Nghệ An

"Đây là dự án có số vốn lớn nhất thuộc danh mục các dự án dự kiến sẽ được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/chứng nhận đăng ký đầu tư tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Kỷ Hợi do tỉnh Nghệ An tổ chức vào ngày 23/2, báo Nghệ An thông tin.

Dự kiến có 15 dự án sẽ ký thỏa thuận đầu tư tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Kỷ Hợi với tổng số vốn lên tới 11.848 tỷ đồng. Đáng chú ý là thỏa thuận đầu tư khách sạn 5 sao tại thị xã Cửa Lò, dự án Vùng nguyên liệu nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao 15.000 ha và kho đóng gói, bảo quản sản phẩm tại huyện biên giới Kỳ Sơn đều với số vốn đầu tư dự kiến lên đến 3.000 tỷ đồng;…

Thời gian gần đây, Việt Nam được xem là một trong những điểm đến hàng đầu trên thế giới cho những nhà đầu tư quan tâm đến ngành công nghiệp dệt may, do sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và sức hấp dẫn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết. Hiện, Việt Nam đã xúc tiến 16 FTA song phương, đa phương.

Theo các chuyên gia, trong lần quay trở lại này, các nhà đầu tư ngoại không chỉ thuần túy gia công mà đa dạng hóa từ đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp với việc thâu tóm, mua lại cổ phần của doanh nghiệp dệt may trong nước. Dự báo, các dự án dệt may sẽ tiếp tục dịch chuyển đến Việt Nam trong thời gian tới. Đến nay, phần lớn các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ đầu tư vào lĩnh vực sợi, may và phụ liệu.

Tuy nhiên, trước Nghệ An, thông tin từ Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết nhiều địa phương tỏ ra dè dặt với việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực dệt nhuộm.

“Nếu các địa phương không hỗ trợ cấp phép thì việc tạo ra chuỗi cung ứng, đáp ứng quy định xuất xứ để được hưởng lợi từ EVFTA (yêu cầu xuất xứ từ vải), CPTPP (yêu cầu xuất xứ từ sợi) là vấn đề xa vời”, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas cho biết.

Các chuyên gia cho rằng, nhiều địa phương buộc phải tính toán và hạn chế các dự án dệt nhuộm bởi nếu nhà đầu tư không thực hiện việc xử lý môi trường như cam kết thì gánh nặng sẽ đổ lên chính quyền sở tại.

Tuy nhiên, cần xem xét cấp phép cho các dự án đầu tư công nghệ hiện đại xử lý nước thải. Ngoài ra, định hướng quy hoạch các cụm, khu công nghiệp riêng có thể đáp ứng đầy đủ hạ tầng xử lý môi trường và cách xa khu dân cư để thu hút các dự án này.

Quảng cáo