Nguyên Tư lệnh binh đoàn 12 nêu 3 hướng tái cơ cấu doanh nghiệp quân đội

VNF (ghi) - 28/11/2017 08:00
(VNF) - Ông Nguyễn Đức Thuận, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 12 nêu 3 hướng cải cách khối doanh nghiệp quân đội trong bối cảnh dư luận đang quan tâm đặc biệt tới "quân đội làm kinh tế".
Nguyên Tư lệnh binh đoàn 12 nêu 3 hướng tái cơ cấu doanh nghiệp quân đội

TS. Nguyễn Đức Thuận, Nguyên Tư lệnh Binh đoàn 12 vừa có bài viết về phân tích về những được và mất khi quân đội tham gia làm kinh tế và nếu quân đội tiếp tục làm kinh tế thì nên tổ chức lại như thế nào, nên làm gì, và cái gì quân đội không nên làm, không tiếp tục làm nữa.

Vị lãnh đạo quân đội, hiện là Phó chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) đã nêu 3 hướng sắp xếp, cơ cấu lại toàn bộ hệ thống các đơn vị làm kinh tế trong quân đội.

Ông viết:

"Thứ nhất, đối với các đơn vị làm kinh tế đơn thuần không liên quan đến cơ sở công nghiệp quốc phòng, như chế biến nông lâm sản, xây dựng, thương mại, vv…thì cần mạnh dạn cổ phần hóa thoái vốn một cách triệt để, toàn diện và phải có lộ trình từ nay đến 2020 đưa toàn bộ những doanh nghiệp quân đội này và những lĩnh vực này ra khỏi quân đội, cổ phần hóa và xã hội hóa các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này một cách triệt để.

Thứ hai, đối với các cơ sở sản xuất, các nhà máy công xưởng doanh nghiệp liên quan đến công nghiệp quốc phòng nòng cốt thì cần phải sắp xếp kiện toàn, cơ cấu lại theo hướng hình thành một hoặc hai tập đoàn kinh tế gọi là các tổ hợp công nghiệp quốc phòng và đưa toàn bộ các cở sở công nghiệp quốc phòng, cơ quan nghiên cứu sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kĩ thuật quân sự của tổ hợp này vào chịu sự quản lý trực tiếp của Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng.

Ngay từ bây giờ phải xây dựng một lộ trình để đưa các tổ hợp công nghiệp quốc phòng này ra khỏi quân đội trong vòng từ 10 đến 20 năm tới như Trung Quốc và Nga đã làm. Lộ trình này có thể kéo dài 10 đến 20 năm, nhưng nếu không bắt đầu từ bây giờ thì chúng ta sẽ không quản lý, khai thác, sử dụng các tổ hợp công nghiệp quốc phòng này một cách hiệu quả ngay trong hiện tại và tương lai.

Bên cạnh đó, trong điều kiện biên giới trên bộ và trên biển do đặc thù của Việt Nam, chúng ta cần mạnh dạn hình thành các đoàn kinh tế quốc phòng nhằm duy trì sự có mặt của các đơn vị này ở các khu vực vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, đặc biệt là trên biển.

Thứ ba, đơn vị quân đội làm kinh tế phải là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng an ninh nằm trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng kết hợp làm kinh tế, không có doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần độc lập và phải được tổ chức chặt chẽ theo đúng mô hình dưới dạng tổ hợp công nghiệp quốc phòng, hoặc dưới dạng đoàn kinh tế quốc phòng, chịu sự quản lý trực tiếp của Quân ủy Trung ương, của Chính phủ và sự chi phối bình đẳng bởi các quy định pháp luật khác, không có ngoại lệ.

Doanh nghiệp quân đội chỉ có giá trị thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh trong nội bộ quân đội, còn khi tham gia vào nền kinh tế thị trường (trong trường hợp khai thác các thành tựu khoa học công nghệ quân sự và công nghiệp quốc phòng phục vụ cho nền kinh tế quốc dân), thì nó phải chịu sự chi phối của tất của các quy định pháp luật bình đẳng như các doanh nghiệp khác tại Việt Nam".

Như VietnamFinance đã đề cập, quân đội làm kinh tế là câu chuyện được liên tục mổ xẻ trên các diễn đàn chính thức trong vòng 1 năm qua.

Mới đây, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã tái khẳng định những thông điệp quan trọng liên quan đến chủ đề "quân đội làm kinh tế".

Theo Bộ trưởng, Bộ Quốc phòng đã và đang thực hiện đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp quân đội từ 88 doanh nghiệp chỉ để lại 17 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ quốc phòng, số còn lại thực hiện thoái vốn cổ phần hóa sắp xếp sáp nhập.

Ngoài nhiệm vụ trên, các Tập đoàn kinh tế quốc phòng và các doanh nghiệp quân đội còn là đơn vị dự bị động viên sẵn sàng mở rộng thành các binh đoàn chủ lực tác chiến khi đất nước có chiến tranh.

"Nhiệm vụ tham gia sản xuất xây dựng làm kinh tế đã, đang và sẽ luôn là chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng của quân đội cần phải được quy định trong dự thảo Luật Quốc phòng", Bộ trưởng nói.

Quảng cáo