Tiêu điểm

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong hồi ức của các lãnh đạo cấp cao

(VNF) – Nói về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, những lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đều dành những lời khen ngợi tốt đẹp nhất.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong hồi ức của các lãnh đạo cấp cao

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

Trong cuốn “Những câu chuyện về đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam” (tác giả Diệu Ân), nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhận xét: “Anh Đỗ Mười là một con người sâu sát thực tế, sâu sát quần chúng nhân dân, nói đi đôi với làm. Anh là một con người hành động”.

Trong công tác xây dựng Đảng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ngợi ca: “Anh (Đỗ Mười) luôn giữ vững nguyên tắc, kiên định lập trường, chịu lắng nghe, chăm lo, phát hiện và bồi dưỡng cán bộ cho Đảng.

“Anh là một người vì lẽ phải, nghe lẽ phải, chính anh là người dóng góp tích cực cho nghị quyết của Trung ương về xây dựng cơ chế dân chủ cơ sở”.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, người có thời gian làm việc cùng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trên những cương vị cao nhất, khẳng định ông Đỗ Mười có đóng góp quan trọng trong hai “đại sự lịch sử” của đất nước: một là tổ chức Đại hội VI với nhiều quyết sách mới để xây dựng đất nước, phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng, trên cơ sở đó đổi mới toàn diện đất nước; hai là xây dựng Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

“Anh là người cộng sản tiên phong, xuất sắc của giai cấp công nhân… Anh là một cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, làm việc có nguyên tắc, quyết đoán trên cơ sở dân chủ, bàn bạc với mọi người, biết tôn trọng ý kiến đúng. Những ý kiến của anh thật sắc sảo, có sức thuyết phục lớn”, nguyên Chủ tịch nước nói.

Ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh: “Anh Đỗ Mười vừa lo chỉ đạo đổi mới, vừa giữ được chế độ, hai cái đó đều là những thắng lợi vĩ đại”.

“Những năm ấy, nước ta đã phá được thế bị bao vây cấm vận, đặt lại quan hệ bình thường với Trung Quốc rồi với Mỹ, gia nhập khối ASEAN, đàm phán phân định lại biên giới trên bộ và trên vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, đàm phán hiệp định thương mại tay đôi với Mỹ và nhiều nước, đàm phán gia nhập WTO. Tất cả những cuộc đàm phán này đều đi đến thành công mở ra cục diện đối ngoại mới chưa từng có trong lịch sử nước ta. Anh Đỗ Mười ghi đậm dấu ấn lãnh đạo trong tất cả những cột mốc đối ngoại ấy”, ông Phan Diễn đánh giá.

Không chỉ được ca ngợi vì những đóng góp ở tầm vĩ mô, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười còn được ghi công ở những lĩnh vực cụ thể.

Ông Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, khẳng định: “Anh Đỗ Mười là Bộ trưởng đầu tiên đặt nền móng rất cơ bản cho ngành xây dựng ở chặng đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước”.

Còn nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nhấn mạnh: “Dấu ấn của đồng chí Đỗ Mười trên lĩnh vực đối ngoại không thể kể hết được”, từ việc quyết định đưa nước ta gia nhập ASEAN cho đến việc bình thường hóa quan hệ với các nước.

“Đồng chí Đỗ Mười, một người học trò tốt của Bác Hồ, luôn tiếp thu và làm theo đạo đức của Bác; là một người lãnh đạo cần, kiệm, liêm chính. Đồng chí Mười rất ham học, ham đọc, đọc rất nhiều loại sách, đặc biệt là các sách về lý luận Mác – Lenin, các tác phẩm của Bác Hồ…”, ông Nguyễn Mạnh Cầm nói.

Tin mới lên