Diễn đàn VNF

Nguyên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: ‘Nói FDI chèn ép khu vực trong nước là không chính xác’

(VNF) – “Hội nhập là phải chấp nhận cạnh tranh, thế nên tất cả hệ thống luật pháp của nước ta đang hướng tới một nền  kinh tế hội nhập và mở cửa thị trường. Đó là một lộ trình và bắt buộc chúng ta phải thực hiện”, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nói.

Nguyên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: ‘Nói FDI chèn ép khu vực trong nước là không chính xác’

Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhờ FDI

Theo đánh giá của nguyên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, trải qua 30 năm, đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận lớn của nền kinh tế Việt Nam và mang lại nhiều lợi ích như: phương thức và kinh nghiệm quản lý, công nghệ và nguồn tiền. Đặc biệt, đầu tư nước ngoài đã góp phần đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ doanh nghiệp, công nhân kỹ thuật… cho Việt Nam.

“Có một điểm thấy rõ nhất của đầu tư nước ngoài đó là đóng góp kinh tế, đóng góp vào nguồn thu ngân sách cũng như đóng góp vào cân bằng thương mại. Rõ ràng tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam là nhờ vào đầu tư nước ngoài. Đấy là những điểm lớn nhất mà tôi cho rằng đã đạt được trong qúa trình huy động vốn đầu tư nước ngoài”, ông Võ Hồng Phúc nói.

Tuy nhiên, nguyên Bộ trưởng cũng cho rằng việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện nay vẫn còn một số điểm chưa đạt.

Một là sự quản lý các nhà đầu tư chưa chặt chẽ. Trình độ quản lý của ta còn thấp, hầu như liên doanh với nước ngoài đều thất bại. “Họ (nhà đầu tư nước ngoài - PV) tăng vốn dần lên cho lỗ để các nhà đầu tư Việt Nam rút lui dần. Mà phần vốn góp của Việt Nam chủ yếu là đất đai, tiền chỉ là một phần nhỏ thôi. Chính đất đai là vốn quý nhất của ta thì lại biến thành con số 0. Đó là vấn đề về năng lực quản lý”.

Hai là hiệu quả đối với một số dự án lớn cũng cần phải xem lại, chẳng hạn như việc chuyển giá của một số công ty. Bên cạnh đó là việc thu hút những đối tác nước ngoài chưa đúng gây nên các sự vụ về môi trường như Vedan, Formosa…

Thêm nữa đó là cơ cấu của đầu tư chưa hợp lý. “Bây giờ nói một số ngành công nghiệp nặng, công nghiệp ô tô ta muốn đầu tư thì hoàn toàn thất bại. Thị trường ô tô của Việt Nam vẫn chưa phải là một thị trường lớn, nhiều nhà đầu tư vào quá sẽ chia nhỏ thị phần, mà khi chia nhỏ thị phần thì họ sẽ không đầu  tư bài bản, không đầu tư tập trung, không đầu tư vào toàn bộ các công nghệ để mà đảm bảo. Đấy là một số điểm mà tôi cho là chưa được”, nguyên Bộ trưởng nhận xét.

Không nên nói chèn ép, đó là cạnh tranh

Bình luận về việc các nước G7 vẫn chưa đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng đó là do các ta quản lý chưa tốt.

“Cái chính là vấn đề tham nhũng. Tôi đã nói rất nhiều lần rằng tham nhũng sẽ cản trở việc ta thu hút vốn đầu tư của các nước phát triển. Bởi vì các nước như Mỹ, Anh, Nhật chi phí để họ tham nhũng không có, bôi trơn cũng không có. Nhưng các nước đang phát triển ở khu vực châu Á lại rất giỏi trong các lĩnh vực này.

“Cho nên tôi nhớ mãi câu hỏi của Thủ tướng Lý Quang Diệu để về cố gắng thu hút vốn của các nhà đầu tư ở các nước lớn nhưng vấn đề gặp phải chính là chi phí bôi trơn. Tôi cho rằng chi phí bôi trơn là cản trở lớn nhất. Nhiều nhà đầu tư lớn khi gặp tôi đều than vãn chuyện đó. Và khi vào họ thấy như thế, họ chán nản rồi họ đi. Chính điều này đã cản trở sự phát triển của chúng ta”, ông Phúc nói.

Bên cạnh đó, ông Võ Hồng Phúc cũng nhận xét các bộ, ban, ngành, địa phương vẫn còn duy trì thủ tục rườm rà, không thống nhất. Chẳng hạn như việc cấp phép cho ngành công nghiệp ô tô thể hiện sự phân quyền, không tập trung. Quyết định cấp phép các liên doanh ô tô đã bị tác động bởi các quyền lực khác nhau dẫn đến việc chấp nhận 14 công ty kinh doanh ô tô hoạt động tại Việt Nam.

“Một ví dụ khác là về lọc dầu, năm 90 khi đó tôi còn là Vụ trưởng, chúng ta đã lựa chọn 6 đối tác để đàm phán nhưng không được một đối tác nào. Cuối cùng ta quyết định tự làm vì không chọn được đối tác, mặc dù lúc đó có rất nhiều tập đoàn lớn muốn vào làm. Từ ý này có thể rút ra bài học về chuyện chọn nhà đầu tư, khi ta nói ta tự làm được nhưng thực tế cho thấy hiện nay hiệu quả của Nhà máy lọc dầu Dung Quất là rất thấp”, ông Phúc nói thêm.

Nêu quan điểm về các luồng ý kiến cho rằng đầu tư nước ngoài đang chèn ép khu vực trong nước, nguyên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng nói như vậy là không chính xác.

“Khi hội nhập thì phải chấp nhận cạnh tranh, thế nên tất cả hệ thống luật pháp của nước ta đang hướng tới một nền kinh tế hội nhập và mở cửa thị trường. Đó là một lộ trình và bắt buộc chúng ta phải thực hiện. Hiện nay các điều lệ đầu tư trong và ngoài nước đều như nhau, ngoại trừ các lĩnh vực có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư và hạn chế đầu tư đều có danh mục rõ ràng.

“Trên tất cả các lĩnh vực đã mở cửa thì chúng ta phải chấp nhận sự cạnh tranh. Chúng ta không thể nói rằng là nước ngoài vào họ chèn ép, dù họ có chèn ép thật, nhưng đầu tư là cạnh tranh, các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với nhau, các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cũng cạnh tranh như nhau thì những người nào có năng lực quản lý tốt, công nghệ cao thì sẽ tồn tại. Cho nên đó là điều đương nhiên và không thể nào chúng ta loại bỏ được”, nguyên Bộ trưởng nói.

Tin mới lên