Tài chính tiêu dùng

Người tiêu dùng sẽ phải chi trả nhiều hơn khi sử dụng dịch vụ Grab?

Trong tương lai, nhiều khả năng người tiêu dùng sẽ phải chi trả nhiều hơn khi sử dụng dịch vụ Grab do dịch vụ này hoàn toàn có khả năng chi phối giá trên thị trường.

Người tiêu dùng sẽ phải chi trả nhiều hơn khi sử dụng dịch vụ Grab?

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa tổ chức Tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý I/2018.

Tại cuộc tọa đàm, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR đưa ra một nhận định đáng lưu ý: "Việc Uber rút khỏi thị trường Đông Nam Á đã giúp cho Grab chiếm lĩnh độc quyền thị trường trong toàn khu vực, trong đó có Việt Nam".

"Trong tương lai, người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ phải chi trả nhiều hơn khi sử dụng dịch vụ này khi Grab hoàn toàn có khả năng chi phối giá trên thị trường", TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa phát triển các sản phẩm cạnh tranh với Grab và "các doanh nghiệp Việt có thể học được từ chính bài học thất bại của Uber trước Grab để một ngày nào đó có được vị thế xứng đáng trên thị trường của mình".

Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý I/2018 của VEPR cũng đưa ra nhiều lưu ý khác về "sức khỏe" của nền kinh tế, trong đó có việc quy mô tạo việc làm mới và số doanh nghiệp đăng ký trong Quý 1 không tăng cao tương ứng với tăng trưởng kinh tế so với năm trước.

Cụ thể, tính chung cả quý I, có 225,4 nghìn việc làm mới được tạo thêm, trong khi cùng thời điểm này năm 2017 nền kinh tế đã tạo thêm 291,6 nghìn việc làm. Xét theo thành phần, tăng trưởng lao động ở khu vực nhà nước tiếp tục giảm 1,2%, trong khi ở khu vực ngoài Nhà nước và khu vực FDI đều ghi nhận mức tăng lần lượt là 3,9% và 4,5%.

"Hiện tượng số việc làm mới tạo ra ít hơn, trong khi tăng trưởng vẫn cao, một lần nữa đặt ra câu hỏi về chất lượng tăng trưởng và sức mạnh thực chất của khu vực nội địa", ông Thành lo ngại.

Trong khi đó, lạm phát có xu hướng gia tăng trở lại trong quý I, sau khi giảm vào cuối năm 2017. Lạm phát lõi cũng tăng nhẹ trong quý I, ở mức 1,38% trong tháng 3, do tổng phương tiện thanh toán được mở rộng, dường như phản ánh khuynh hướng nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Bày tỏ quan điểm về cân đối ngân sách, đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng, việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) một mặt tăng gánh nặng thuế lên người dân, gián tiếp đẩy một bộ phận vào khu vực kinh tế phi chính thức; mặt khác cũng không đảm bảo sẽ tăng được tỷ trọng thu thuế VAT trong tổng thu ngân sách.

Để đảm bảo cân đối thu chi, cần cải thiện nguồn thu thông qua tăng hiệu quả thu, tăng hiệu quả thu trên các loại thuế đã có và thuế suất hiện thời, thay vì vội vã áp thêm các loại thuế mới hoặc tăng thuế suất.

Tin mới lên